Như thành phố ma
Khi các khu vực khác ở Mỹ chịu thiệt hại trong thời kỳ Đại Suy thoái thì khu vực quanh thủ đô vẫn phát triển. Trong 10 năm qua, làn sóng nhà hàng, quán bar và cửa hàng bán lẻ đã tràn vào để phục vụ giới trẻ đi làm trong khu vực. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhỏ phất lên những năm gần đây đang cảm thấy tác động của việc chính phủ đóng cửa một phần.
Đã gần giờ ăn trưa mà khu trung tâm ăn uống ở Washington D.C vẫn đìu hiu. Anh Yonas A. Seyoum, quản lý quán cà phê Esprinton ra quầy thu ngân và in bảng doanh số bán hàng buổi sáng. Anh than thở: “Thật điên rồ. Còn không đủ tiền để trả cho cô ấy”. Cô ấy tức là nữ thu ngân trẻ tuổi đang dựa vào quầy và nghịch điện thoại.
Cả 5 tiếng buổi sáng mà Seyoum chỉ thu được 52,71 USD – con số tồi tệ. Seyoum nói: “Cứ như là thành phố ma, hoàn toàn chết chóc”.
Trang Mai, chủ xe bán đồ ăn lưu động tại khu vực đối diện Bộ Thương mại, cho biết doanh số bán hàng giảm hẳn. Mối lo đã khiến cô quên cả sinh nhật 10 tuổi của con trai. Cô cho biết: “Tôi mệt, thực sự rất mệt mỏi”. Cô tìm cách bán xe tải trên mạng nhưng không ai mua. Cô còn bảo chồng bán nhà ở Annandale (bang Virginia) vì họ không thể đủ tiền cho các khoản cần thiết.
Ông Aria Valdez, quản lý nhà hàng The Liberty Tavern tại hạt Arlington, nơi 21% cư dân là nhân viên liên bang, cho biết doanh số bán hàng giảm hẳn.
Abu Ahamed, một chủ xe tải bán đồ ăn người Mỹ gốc Bangladesh đậu xe gần Phòng tranh Chân dung Quốc gia, cho biết doanh số sụt giảm và anh phải dùng tới cách khẩn cấp là mời người qua đường ăn miễn phí đồ ăn thử.
Anh cho biết kiếm được 50 USD vào thứ 7 và 172 USD vào chủ nhật, chỉ một phần nhỏ so với khoản thu nhập trước đó. Anh lo không đủ tiền trả tiền thuê nhà nếu tình trạng đóng cửa chính phủ còn tiếp diễn. Anh đã xin việc ở chỗ chủ cũ và chưa biết kết quả ra sao. Anh kể rằng con gái biết bố không có tiền nên thậm chí không kêu đói. Anh nói: “Là người bố, điều này thật đau lòng”.
Theo tờ New York Times, khi nhân viên liên bang nghỉ ở nhà, các viện bảo tàng Smithsonian đóng cửa, du khách không tới nữa, phố xá có cảm giác như đang kỳ nghỉ lễ. Các khu vực ăn trưa không còn cảnh xếp hàng chờ đợi. Hệ thống giao thông ở trung tâm còn thừa nhiều chỗ.
Hậu quả sẽ tăng dần
Sau khi Chính phủ Mỹ đóng cửa được gần ba tuần, hậu quả của tình trạng bế tắc chính trị ở Washington đã nhìn thấy rõ. Khu vực trung tâm Washington D.C là nơi làm việc của nhiều nhân viên liên bang nhất nước Mỹ. Khi họ bị ngừng trả lương, hậu quả đe dọa lan rộng khắp vùng.
Đây là vấn đề bất thường đối với một khu vực tự hào là nơi có nền kinh tế mạnh nhất, giàu nhất nước và được hỗ trợ bởi ngân sách chính phủ cũng như lực lượng lao động liên bang dồi dào, ổn định.
Theo ông Stephen Fuller, nhà kinh tế thuộc Đại học George Mason, khu vực trung tâm có khoảng 360.000 nhân viên liên bang, chiếm 11,5% lực lượng lao động toàn thời gian của khu vực. Trong nhóm đó, khoảng 145.000 người phải nghỉ phép. Đó là chưa kể đến nhiều nhân viên hợp đồng liên bang mà lương phụ thuộc vào chính phủ và không được trả tiền trong khoảng thời gian nghỉ.
Ông Fuller cho biết hậu quả kinh tế với khu vực trung tâm này sẽ là tối thiểu miễn là tình trạng đóng cửa kết thúc trước tháng hai. Thiệt hại sẽ là 2,8% sản lượng kinh tế hàng ngày của khu vực. Dù vậy, đóng cửa càng lâu, nguy cơ thiệt hại lâu dài sẽ cao hơn.
Trong khi đó, tình trạng đóng cửa chính phủ đang bắt đầu thử thách các hoạt động của thành phố Washington D.C, nơi phần lớn khu vực công là đất chính phủ liên bang.
Washington DC đã phải bổ sung lực lượng gom rác để thu rác từ 640 thùng rác liên bang. Cơ quan giám sát người dân bị quản thúc và tạm tha không có giám đốc trong thời gian này.
Ngày 8/1 vừa rồi, Hội đồng Thành phố trao quyền khẩn cấp cho thị trưởng cấp giấy chứng nhận kết hôn vì Cục Hôn nhân đang đóng cửa.
Chính phủ Mỹ đóng cửa ba tuần, thủ đô Washington nói riêng và các bang ở Mỹ nói chung đều đã chịu tác động tiêu cực.
Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ vẫn chưa thể đàm phán được một thỏa thuận để tháo nút thắt. Trong khi ông Trump vẫn kiên quyết muốn quốc hội thông qua 5 tỷ USD xây tường biên giới thì Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng kiên quyết bác bỏ.
Nếu tình trạng bế tắc trong đàm phán mở cửa lại chính phủ kéo dài, hậu quả sẽ còn nặng nề hơn với người dân và nền kinh tế Mỹ.