Ca mắc COVID-19 tăng cao, Nhật Bản chưa định tái ban bố tình trạng khẩn cấp

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các số liệu thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng Nhật Bản cho thấy số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo và tỉnh Hokkaido đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 4/5.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang tại một sự kiện nhằm phòng dịch COVID-19 tại Tokyo ngày 1/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vẫn khẳng định chính phủ chưa có kế hoạch tái ban bố tình trạng khẩn cấp tại thời điểm hiện nay. 

Ngày 28/6, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 60 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca ở thành phố này lên 6.114 ca. Đây là ngày Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 4/5 và là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 50. Đáng chú ý, trong số 60 ca nhiễm mới, có 31 người có liên quan tới các khu giải trí ban đêm. Mặc dù vậy, chính quyền thủ đô Tokyo cho biết do số người ở các nhóm tuổi 20-29 và 30-39 chiếm tới 3/4 trong tổng số các trường hợp nhiễm mới nên các chuyên gia y tế tin rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn chưa xảy ra.

Cùng với thủ đô Tokyo, trong ngày 28/6, tỉnh Hokkaido cũng phát hiện thêm 17 ca mới. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở tỉnh cực Bắc này kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hôm 25/5.

Tính chung trên toàn quốc, trong ngày 28/6, Nhật Bản ghi nhận thêm 99 ca nhiễm mới. Trước đó, hôm 26/6, nước này đã phát hiện thêm 105 ca nhiễm mới, trong đó riêng Tokyo có 54 ca. Đây là ngày đầu tiên kể từ hôm 14/5, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vượt ngưỡng 100 ca.

Mặc dù số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đang có xu hướng tăng trở lại nhưng Bộ trưởng Tái thiết Kinh tếNishimura vẫn phủ nhận sự cần thiết phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp. Phát biểu với các phóng viên ngày 28/6, Bộ trưởng Nishimura cho rằng hệ thống y tế của nước này đủ khả năng chữa trị cho tất cả các bệnh nhân COVID-19. Ông Nishimura bày tỏ lo lắng về sự lây lan của dịch COVID-19 từ Tokyo sang các tỉnh lân cận. Chính phủ đang phân tích các dữ liệu ở mỗi tỉnh để xác định mối liên hệ giữa các ca nhiễm mới ở các khu vực và các cụm lây nhiễm.

Trong một diễn biến khác, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hai tổ chức truyền thông ở Nhật Bản công bố ngày 29/6, hơn một nửa số người được hỏi bày tỏ phản đối kế hoạch tổ chức Thế vận hội Olympics vào năm 2021, kêu gọi hoãn lâu hơn nữa hoặc hủy đại hội kỳ này do lo ngại dịch COVID-19.

Cuộc thăm dò do hãng tin Kyodo phối hợp với Đài truyền hình Tokyo MX thực hiện qua điện thoại trong thời gian từ ngày 26-28/6, nhận được 1.030 người dân Tokyo trả lời. Thăm dò được tiến hành sau khi các chuyên gia y tế cảnh báo dù có hoãn sự kiện trên một năm cũng không đủ để đảm bảo Thế vận hội sẽ diễn ra an toàn.

Theo cuộc thăm dò, 51,7% người được hỏi bày tỏ hy vọng Thế vận hội 2021 sẽ tiếp tục được hoãn hoặc hủy bỏ, trong khi 46,3% muốn sự kiện thể thao toàn cầu này vẫn tiếp tục diễn ra đúng kế hoạch. Trong số những người phản đối, 27,7% muốn hủy hẳn sự kiện, trong khi 24% muốn hoãn lần thứ hai. Trong số những người ủng hộ tổ chức Olympic vào năm tới, có 31,1% cho biết sự kiện này nên tiến hành dưới dạng thu hẹp như không có khán giả, trong khi 15,2% cho biết muốn Olympics diễn ra bình thường như mọi khi.

Olympics Tokyo 2020 đã phải hoãn lại vào tháng 3 do dịch COVID-19 lan rộng ra toàn cầu, gây ra sự ngắt quãng lớn nhất giữa hai kỳ đại hội kể từ khi sự kiện này phải hủy trong Chiến tranh thế giới II. Hiện ban tổ chức đã quyết định lùi đến ngày 23/7/2021 dù sự kiện vẫn mang tên là Olympics Tokyo 2020. Các quan chức Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cảnh báo không thể hoãn thêm nữa, và dù chỉ hoãn một năm cũng đã gây ra nhiều vấn đề về tài chính và logistics.

Bích Liên - Đào Thanh Tùng (TTXVN)
 Hàn Quốc và Nhật Bản đẩy nhanh thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19
Hàn Quốc và Nhật Bản đẩy nhanh thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19

Ngày 25/6, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul thông báo đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đánh giá tính ổn định cũng như hiệu quả của việc sử dụng kết hợp giữa thuốc kháng virus Remdesivir và thuốc chống viêm Baricitinib trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN