Hãng dược phẩm có trụ sở tại thành phố Osaka này dự định sẽ kiểm tra hiệu quả của phương pháp điều trị trên cho đến cuối năm 2021 với mục tiêu đưa phương pháp này vào sử dụng trong thực tế vào năm 2022 hoặc sau đó.
Cụ thể, các tế bào gốc có nguồn gốc từ mô mỡ sẽ được nuôi cấy và tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân COVID-19. Rohto hy vọng phương pháp này sẽ giúp hạn chế phản ứng miễn dịch quá mức và tình trạng viêm nhiễm thường hay gặp phải ở các bệnh nhân nặng.
Trong một diễn biến khác liên quan dịch COVID-19, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản đang nghiên cứu khả năng thành lập cơ quan ứng phó với dịch COVID-19 theo mô hình Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, trong bối cảnh công tác ứng phó với dịch bệnh này ở Nhật Bản thời gian qua tỏ ra thiếu hiệu quả do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan của chính phủ.
Theo tờ Nikkei Asia Review, LDP dự định sẽ đệ trình đề xuất thành lập cơ quan trên vào đầu tháng 7 tới.
Tháng 3 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật trao quyền cho Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp và thành lập nhóm đặc trách của Chính phủ để ứng phó với dịch COVID-19.
Được thành lập vào ngày 26/3, nhóm đặc trách này có chức năng giám sát quá trình phát triển phương pháp xét nghiệm và củng cố hệ thống y tế, đồng thời xây dựng các chính sách kiểm soát biên giới khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, nhóm đặc trách trên không có kiến thức chuyên môn cần thiết về phòng chống dịch bệnh.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản từ lâu vẫn giao nhiệm vụ nghiên cứu kiểm soát dịch bệnh cho Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW), song NIID không có chức năng xây dựng hay thực hiện các chính sách mà chủ yếu thực hiện các nghiên cứu về phương pháp chữa trị và vaccine, và đào tạo các chuyên gia y tế.