Theo tờ SCMP, ngày 26/7, Campuchia ghi nhận 778 ca mắc COVID-19, trong đó 475 ca nhập cảnh, phần lớn là người lao động từ Thái Lan về nước.
Đến thời điểm hiện tại, đa số ca mắc ở Campuchia đều nhiễm biến thể Alpha, một biến thể của SARS-CoV-2 lần đầu xuất hiện ở Anh. Biến thể này lây lan nhanh hơn chủng gốc và khiến tỷ lệ nhập viện cao hơn.
Mặc dù Campuchia có chưa tới 500 ca mắc và không có ca tử vong nào hồi đại dịch mới xuất hiện, nhưng đợt bùng phát các ca mắc biến thể Alpha đã xảy ra khi nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng.
Đợt bùng phát khiến số ca mắc tăng vọt lên trên 73.700 ca, trong đó trên 1.300 ca tử vong chỉ trong vòng 5 tháng.
Tiến sĩ Michael C. Thigpen thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tại Campuchia, cho rằng đợt bùng phát lần này là do lỗ hổng trong quy trình cách ly mà chỉ khi có hàng trăm ca mắc và lan khắp các tỉnh thì mới nhận ra.
Theo báo Khmer Times, làn sóng biến thể Alpha hồi tháng 2 xuất hiện sau khi 4 người Trung Quốc hối lộ nhân viên bảo vệ Campuchia để rời khách sạn cách ly trước khi đủ 14 ngày.
Ít nhất hai trong số 4 người phụ nữ Trung Quốc tới Campuchia từ Dubai này đã đến một câu lạc bộ đêm đông người ở Phnom Penh khi nhiễm biến thể Alpha, kích hoạt một sự kiện siêu lây nhiễm.
Theo ông Thigpen, do lây lan mạnh hơn, biến thể Alpha lan nhanh hơn nỗ lực phản ứng của Chính phủ Campuchia.
Giới chức Campuchia đã áp đặt phong tỏa cứng rắn kéo dài hàng tuần và kết thúc vào tháng 5, tăng cường trừng phạt những người vi phạm giãn cách xã hội và đi lại, tăng tốc tiêm chủng. Nước này cũng nâng cao năng lực xét nghiệm. 10 phòng thí nghiệm hiện nay có thể xét nghiệm trên 10.000 người/ngày.
Trong khi phải đối phó với biến thể Alpha, nỗi lo về biến thể Delta cũng bao trùm Campuchia khi khu vực Đông Nam Á và nhiều nước bị biến thể này hoành hành dữ dội.
Ngày 26/7, Thái Lan ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục, còn Malaysia thì vượt mốc 1 triệu ca mắc ngày 25/7. Philippines đã cấm chuyến bay từ Malaysia và Thái Lan để ngăn chặn biến thể Delta lây lan.
Tới 19/7, Campuchia đã có tổng cộng 70 ca mắc biến thể Delta nhập cảnh là người lao động về nước. Tuy nhiên, biến thể này chưa xuất hiện trong cộng đồng tính tới lúc đó.
Ông Thigpen cho biết Chính phủ Campuchia đang cách ly và xét nghiệm liên tục để ngăn chặn biến thể Delta lây lan.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Ailan Li, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Campuchia, cho biết bà lo biến thể Delta sẽ sớm “sổ lồng”. Bà nói: “Ở nhiều nước, biến thể Delta đã thay thế các loại biến thể khác.
Chúng ta cần lường trước các kịch bản như vậy trong tương lai. Việc Delta xuất hiện ở Campuchia chỉ là vấn đề thời gian. Delta có thể lây lan nhanh hơn và khiến ca mắc gia tăng, khiến ca nhập viện từ đó tăng theo”.
Giới chức Campuchia đang hối thúc người dân tuân thủ quy tắc phòng chống COVID-19 ngay cả đã tiêm vaccine.
Bà Li cho rằng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 hàng ngày ở Campuchia vẫn cao và cho thấy virus chưa được kiềm chế, vẫn lây trong cộng đồng.
Tới nay, 60% trong dân số 10 triệu người Campuchia đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19.