Theo CNN, khi tốc độ tiêm chủng COVID-19 ở châu Âu có dấu hiệu chậm lại, các nhà lãnh đạo đang cố tìm câu trả lời cho một tình huống khó xử ở giai đoạn tiếp theo: làm thế nào để thuyết phục những công dân nhất định không tiêm vaccine.
Từ thưởng tiền mặt cho đến cung cấp data điện thoại, những chuyến tham quan sân vận động bóng đá cho đến thịt nướng miễn phí, giới chức châu Âu đã dùng đủ loại “cà rốt” để khuyến khích người dân đi chích ngừa.
Giờ đây, khi biến thể Delta đang hoành hành khắp lục địa, có nguy cơ châm ngòi cho một đợt phong toả khác vào đỉnh điểm của mùa Hè, một số nhà lãnh đạo đã quyết định dùng biện pháp mạnh.
Hôm 26/7, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật yêu cầu “giấy thông hành sức khoẻ”, thể hiện bằng chứng đã tiêm chủng đầy đủ hoặc xét nghiệm PCR âm tính để vào nhà hàng, quán bar, đi tàu đường dài và máy bay, bắt đầu từ tháng 8.
"Chúng tôi sẽ mở rộng ‘thông hành sức khoẻ’ để thúc đẩy các bạn đi tiêm phòng càng nhiều càng tốt”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải thích khi công bố đạo luật này vào giữa tháng 7. Ông cũng cho biết các nhân viên y tế sẽ bắt buộc phải tiêm phòng COVID-19 kể từ 15/9 và ám chỉ khả năng bắt buộc tất cả người dân phải tiêm vaccine nếu tình hình dịch trở nên tồi tệ hơn.
Hồi giữa tháng 7, đối mặt với tình trạng lây nhiễm đe doạ phục hồi ngành du lịch sống còn, Hy Lạp đã tiến một bước xa hơn Pháp, cấm những người chưa tiêm chủng khỏi các nhà hàng, quán bar, cà phê và rạp phim. Chính phủ cũng ra lệnh tiêm vaccine bắt buộc cho nhân viên y tế, những người từ chối sẽ bị đình chỉ việc làm kể từ 16/8. "Đất nước ta sẽ không đóng cửa một lần nữa chỉ vì thái độ của một số người", Thủ tướng Mitsotakis tuyên bố.
Italy, quốc gia đã bắt buộc tiêm vaccine cho nhân viên chăm sóc sức khoẻ từ tháng 5, mới tuần trước thông báo sẽ áp đặt hạn chế tại các địa điểm trong nhà với người dân không trình bằng chứng về khả năng miễn dịch. “Thông điệp mà chính phủ muốn đưa ra là, hãy tiêm chủng! Tiêm chủng! Tiêm chủng!”, ông Bộ trưởng Y tế kêu gọi.
Việc cấm những người không tiêm chủng khỏi các lĩnh vực của đời sống xã hội là điều mới nhất trong số nhiều hạn chế từng là điều không tưởng ở các nền dân chủ phương Tây nhưng hiện đang trở thành phổ biến. Các động thái này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc tiêm vaccine có nên là sự lựa chọn của cá nhân hay do nhà nước bắt buộc vì lợi ích tập thể.
Hôm 24/7, trên160.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp ngăn chặn COVID-19 của Pháp, kêu gọi chính phủ bỏ các quy định mới.
Các chuyên gia cho biết có thể khó xác định tác động của "giấy chứng nhận vaccine" đối với việc mở rộng tiêm phòng, vì các biện pháp như vậy thường đi kèm với việc đưa tin nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông và nhiều cuộc thảo luận xung quanh việc tiêm chủng, có thể là nguyên nhân thay đổi mức độ quan tâm của công chúng.
Thông báo của Tổng thống Macron đã thúc đẩy nhiều người đổ xô tiêm chủng. Doctolib, một cổng thông tin đặt lịch tiêm của Pháp, đã đạt kỷ lục 3,7 triệu người đặt lịch hẹn trong tuần sau.
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết lượng đặt lịch hẹn tăng vọt cho thấy "trong số những người chưa tiêm vaccine, chỉ một thiểu số rất nhỏ chống lại việc tiêm chủng". Một kết quả thăm dò gần đây cũng cho thấy người Pháp đang nhiệt tình với vaccine COVID-19 sau khi được xếp hạng là một trong những quốc gia châu Âu hoài nghi nhất với tiêm chủng.
Tuy vậy, Tiến sĩ Deepti Gurdasani, một chuyên gia y tế công cộng và dịch tễ học tại Đại học Queen Mary London, nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng các chương trình vaccine thành công nhất đòi hỏi sự hiểu biết về tâm lý do dự tiêm, điều này khác với tâm lý chống vaccine. Đối phó với sự do dự đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng để thực sự hiểu nguyên nhân và giải quyết chúng thay vì công kích người dân là thiếu hiểu biết hoặc ích kỷ."
Bà Gurdasani ước tính rằng 85% dân số sẽ cần được tiêm phòng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. "Ngay cả khi tiêm chủng ở mức độ cao, chúng ta sẽ không ngăn chặn được dịch bệnh nếu không có các biện pháp giảm thiểu khác, chẳng hạn như đầu tư vào việc khử trung môi trường tốt hơn và thay đổi văn hóa ưu tiên xã hội hóa ngoài trời thay vì môi trường trong nhà” - Tiến sĩ Gurdasani nói.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiêm phòng COVID-19 người cho người trẻ tuổi cũng là yếu tố quan trọng. Các quan chức EU thông báo, mới có khoảng 55% tổng số người trưởng thành trong khối đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến 22/7, đồng nghĩa khối sẽ không đạt được mục tiêu ban đầu là 70% vào cuối tháng 7. Tại Đức và Pháp, tỉ lệ này còn chưa đến 50%.
Tại Pháp, những người trong độ tuổi từ 10 đến 29 tuổi chiếm hơn một nửa số ca mắc mới trong tuần bắt đầu từ ngày 7/7. Đức cũng chứng kiến gia tăng ca nhiễm ở nhóm trẻ tuổi hơn, cũng như tốc độ tiêm chủng chậm lại trong những tuần gần đây.
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cho các nhóm tuổi trẻ hơn nhìn chung thấp hơn vì họ chỉ đủ điều kiện tiêm sau khi ưu tiên các nhóm lớn tuổi, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng một bộ phận thanh niên đã trở nên chủ quan với việc tiêm phòng.
Tại Anh, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, Thủ tướng Boris Johnson đã nới lỏng gần như tất cả các hạn chế phòng dịch từ ngày 19/7, đồng thời tuyên bố rằng tiêm chủng đầy đủ sẽ là điều kiện để vào các hộp đêm kể từ cuối tháng 9.
Chính phủ Anh hiện đang xem xét yêu cầu xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng đối với tất cả các sự kiện có hơn 20.000 người tham dự, sắp tới có thể áp dụng tại giải Ngoại hạng Anh.