Bước phát triển chưa từng có về tác chiến lái không người lái trong xung đột Nga-Ukraine

Ukraine đã phóng các thiết bị bay không người lái (UAV) ném bom từ tàu không người lái trên biển (USV) và phá hủy một hệ thống radar Nebo-M giá trị cao của Liên bang Nga trên Bán đảo Crimea.

Chú thích ảnh
Hình ảnh cắt từ clip của Bộ Quốc phòng Ukraine công bố về cuộc tấn công nhằm vào hệ thống radar Nebo-M của Liên bang Nga trong đêm 1 rạng sáng 2/7/2025.

Chuyên trang quân sự TWZ cho biết Ukraine hiện đang sử dụng thiết bị bay không người lái ném bom (bomber drones) được phóng từ các phương tiện mặt nước không người lái để tấn công các mục tiêu tại Bán đảo Crimea, bao gồm cả một trạm radar quan trọng của Liên bang Nga ở đây.

Các đòn tấn công này đánh dấu sự phát triển mới nhất trong chiến thuật sử dụng tàu không người lái của Ukraine vốn đã kiềm chế Hạm đội Biển Đen của Hải quân Liên bang Nga và gây thiệt hại cho các cơ sở quân sự của nước này ở Bán đảo Crimea cũng như cầu Kerch.

Trong tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội X, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết: “Trong đêm 1 rạng sáng 2/7/2025, Lực lượng Phòng thủ miền Nam Ukraine đã thực hiện một chiến dịch đặc biệt xuất sắc và chính xác cao!”, phá hủy ba thành phần quan trọng của hệ thống radar Nebo-M.

Đoạn video dài 67 giây do Bộ Quốc phòng Ukraine đăng tải (xem dưới đây) cho thấy các thiết bị bay không người lái ném bom phóng đi từ mũi tàu không người lái và thả nhiều quả bom xuống các trạm radar của Liên bang Nga.

Việc sử dụng thiết bị bay không người lái ném bom từ tàu không người lái mang lại nhiều lợi thế quan trọng.

Hồi tháng 3, Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) từng sử dụng thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) phóng từ tàu không người lái để tấn công radar và hệ thống tên lửa đất đối không của Liên bang Nga.

Sử dụng thiết bị bay không người lái ném bom cho phép Ukraine tấn công nhiều mục tiêu hơn với mỗi máy bay, đồng thời mang đầu đạn nặng hơn so với thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất. Chúng cũng có thể bay xa hơn trong khi vẫn duy trì kết nối, vì không cần phải lao xuống để tấn công mục tiêu dưới mặt đất.

Ngoài ra, có thông tin cho biết Ukraine còn sở hữu các mẫu thiết bị bay không người lái ném bom có khả năng thả đạn dẫn đường với sức công phá lớn hơn.

Diễn biến này không qua mắt được các nhà quan sát quân sự Liên bang Nga.

Trong một bình luận đưa trên nền tảng mạng xã hội Telegram, kênh Two Majors nổi tiếng Liên bang Nga cho biết: “Kẻ địch cho chiếu cảnh tấn công bằng thiết bị bay không người lái thả bom xuống các vị trí của ta ở bờ Tây Bán đảo Crimea. Một chiếc tàu không người lái đơn lẻ đã tiếp cận, sau đó thả các thiết bị bay không người lái. Điểm mới là việc sử dụng thiết bị bay không người lái có hệ thống thả bom, nhờ vậy kẻ địch thực hiện được nhiều lần tấn công từ mỗi thiết bị bay không người lái”.

Một trong số các thiết bị bay không người lái ném bom được phóng từ tàu không người lái sau đó được cho là đã bị lực lượng Liên bang Nga thu hồi.

Theo kênh Two Majors, chiếc tàu không người lái sau đó đã bị lực lượng Không quân của Liên bang Nga tiêu diệt, dù họ không đưa ra bằng chứng hình ảnh.

Kênh Two Majors cho rằng: “Họ biết cách chiến đấu với đống sắt nổi này, vốn được điều khiển qua mạng Starlink của Elon Musk, ở Crimea và đã thực hành thực chiến. Chỉ cần cung cấp nguồn lực cho những đơn vị hiệu quả, sẵn sàng áp dụng các giải pháp phi truyền thống”.

Cách thức liên lạc cho loại chiến thuật tác chiến này có thể bao gồm hệ thống liên lạc vệ tinh gắn trên tàu (mà các tàu không người lái của Ukraine đã mang theo, thường là nhiều loại cùng lúc) và đường truyền radio trực tiếp từ tàu đến thiết bị bay không người lái.

Điều này cho phép người điều khiển kiểm soát thiết bị bay không người lái theo thời gian thực từ bất cứ đâu, với tàu không người lái đóng vai trò nền tảng phóng, trạm trung chuyển và điều khiển.

Chiến dịch tác chiến bằng tàu không người lái của Ukraine khởi đầu bằng việc sử dụng các mẫu cảm tử (kamikaze) chứa đầy thuốc nổ, thực hiện nhiệm vụ một chiều lao vào các mục tiêu của Liên bang Nga.

Tuy nhiên, Ukraine sau đó đã có nhiều cải tiến, biến các tàu này thành nền tảng phòng không tái sử dụng, thành bệ phóng thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất, thậm chí là tàu pháo mini.

Các cuộc tấn công bằng tàu không người lái vào Hạm đội Biển Đen của Ukraine là “hồi chuông cảnh tỉnh,” đánh dấu “bước ngoặt mới trong chiến tranh không người lái” và Hải quân Mỹ đã lưu ý đến những bài học từ chiến dịch này.

Đầu tháng 5, Ukraine lần đầu tiên sử dụng tàu không người lái Magura V7 do Cục Tình báo Quốc phòng vận hành, trang bị cặp tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder dẫn đường hồng ngoại, để bắn hạ hai máy bay chiến đấu Su-30 Flanker của Liên bang Nga trên Biển Đen.

Ban đầu, các dấu hiệu cho thấy Ukraine sử dụng mẫu AIM-9L/M cũ hơn, nhưng sau đó được xác nhận là AIM-9X đời mới.

Trước đó, vào tháng 12/2024, Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine cũng tuyên bố bắn hạ một trực thăng Mi-8 Hip của Liên bang Nga trên Biển Đen bằng cách sử dụng tên lửa không đối không R-73 (AA-11 Archer) gắn trên tàu không người lái Magura V5 - phiên bản tiền nhiệm của Magura V7.

Xem video cảnh tàu Magura V7 tiêu diệt chiến đấu cơ Su-30 của Liên bang Nga trên Biển Đen.

Bên cạnh phương thức tác chiến mới, ý nghĩa của vụ tấn công hôm 2/7 còn nằm ở mục tiêu bị phá hủy.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết họ đã tiêu diệt một radar RLM-M, một radar RLM-D và một trạm điều khiển radar.

Việc mất đi các thành phần của hệ thống radar Nebo-M có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của Liên bang Nga trong việc phát hiện, theo dõi và đánh chặn nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm cả tên lửa đạn đạo.

Nebo-M được Liên bang Nga đưa vào sử dụng từ năm 2017. Đây là hệ thống radar đa năng tầm xa. Nhà sản xuất tuyên bố nó có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tối đa gần 600 km, và có khả năng nhất định trong việc phát hiện các mối đe dọa đạn đạo và thậm chí là máy bay tàng hình.

RLM-M là radar phát hiện mục tiêu 3D băng tần VHF cỡ lớn, di động trên xe tải 8×8, với giá trị một đơn vị ước tính khoảng 100 triệu USD.

RLM-D, cũng gắn trên xe tải 8×8, là radar giám sát trên không băng tần L dạng mảng quét điện tử chủ động (AESA) có kích thước tương tự.

Cả hai radar này đều có thể truyền dữ liệu chỉ thị mục tiêu về xe chỉ huy trung tâm, từ đó phân phối cho các hệ thống phòng không như S-300 và S-400.

Vị trí của các radar này - nằm ở mũi phía Tây Bán đảo Crimea - cũng mang ý nghĩa quan trọng. Là một phần trong chiến dịch của Ukraine nhằm làm mù lực lượng Liên bang Nga, việc phá hủy chúng có thể mở ra những khoảng trống mới trong mạng lưới phòng không của Liên bang Nga ở Bán đảo Crimea và khu vực Tây Bắc Biển Đen.

Điều này sẽ giúp tăng khả năng sống sót cho các vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không như tên lửa Storm Shadow, SCALP-EG và các loại vũ khí tấn công khác, ví dụ như thiết bị bay không người lái cảm tử tầm xa.

Vì lý do đó, Ukraine thường xuyên tấn công radar và hệ thống phòng không Liên bang Nga tại đây.

Hiện chưa rõ Ukraine đang sử dụng bao nhiêu tàu không người lái để phóng thiết bị bay không người lái ném bom, nhưng nếu nhìn vào kết quả cuộc tấn công hôm 2/7 ở Bán đảo Crimea, rõ ràng Ukraine có động lực để mở rộng khả năng này bởi đây là một vũ khí bất đối xứng khác giúp Ukraine gia tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu của mình.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
UAV Ukraine tấn công cơ sở dầu khí Nga và nhà máy liên quan tới quân đội gần Moskva
UAV Ukraine tấn công cơ sở dầu khí Nga và nhà máy liên quan tới quân đội gần Moskva

Chiến dịch của Ukraine nhằm tấn công cơ sở hạ tầng phục vụ chiến tranh của Liên bang Nga tiếp tục diễn ra với các cuộc tấn công vào các cơ sở ở miền Nam và gần Moskva (Moscow) liên quan đến hậu cần quân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN