Bước chuyển chiến thuật nguy hiểm của IS sau khi thất thủ ở thành trì Mosul, Iraq

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bại trận tại thành trì lớn nhất Mosul (Iraq), khái niệm "Vương quốc Hồi giáo" biến mất, "giấc mơ" của IS cũng biến mất, nhưng dường như các tay súng cực đoan đã chuẩn bị sẵn cho kết cục này từ vài tháng trước và chuyển sang sử dụng lối tấn công nguy hiểm.

Binh sĩ Iraq chụp ảnh ăn mừng với cờ đen IS sau khi giành chiến thắng ở tây Mosul. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, ít nhất 30 tay súng được trang bị súng máy và súng cối vượt qua sông Tigris bằng thuyền gỗ, tấn công ngôi làng Imam Gharbi – cách Mosul 70 km về phía Nam vào đầu tháng 7 qua, sau đó rút quân.

 “Khái niệm vương quốc Hồi giáo biến mất. Giấc mơ biến mất. Chúng sẽ quay trở về lối chiến thuật xưa – tấn công rồi bỏ chạy”, cựu Ngoại trưởng Iraq Hoshiyar Zebari nhận xét.

Theo giới quan chức địa phương và tình báo, cách đây vài tháng, họ nhận ra có một bộ phận các tướng lĩnh chỉ huy và tay súng rời khỏi Mosul chuyển tới dãy núi Hamrin phía Đông Bắc Iraq – nơi có thể cung cấp chỗ ẩn náu và đường vào 4 tỉnh khác ở Iraq.

Một số thành viên đã bị chặn đứng, song vẫn còn nhiều tay súng thoát khỏi sự bao vây của lực lượng an ninh và bắt đầu thiết lập các căn cứ chuẩn bị cho hoạt động mới.

Thay vì tìm cách thành lập một “Vương quốc Hồi giáo”, các tay thủ lĩnh IS sẽ tập trung vào chiến tranh du kích.

Các chuyên gia nhận xét, sau khi ăn mừng chiến thắng tại Mosul, lực lượng an ninh Iraq sẽ phải đối mặt với một thách thức phức tạp và gian nan hơn nhiều.

Lahur Talabany – một quan chức cấp cao người Kurd chống chủ nghĩa khủng bố - cho biết: “Bọn chúng đang đào hầm. Bọn chúng sẽ dễ dàng tiếp cận với thủ đô. Tôi tin rằng chúng ta sớm sẽ phải đối mặt với những ngày khó khăn hơn”.

Cũng theo Talabany và các quan chức an ninh khác, một số cựu quan chức tình báo Iraq phục vụ dưới thời Saddam Hussein có thể gia nhập lực lượng IS. Những nhà chiến lược quân sự này – tàn dư đảng Baath (của cố Tổng thống Saddam Hussein) được coi là thế hệ thủ lĩnh mới của tổ chức cực đoan IS.

Tuy nhiên câu hỏi quan trọng được đặt ra ở đây là liệu rằng quân đội Iraq – lực lượng nắm khá rõ cách đánh đối với chiến tranh truyền thống – có thể đối phó với chiến thuật “nằm vùng” và các nhóm phiến quân nhỏ lẻ thi thoảng đột ngột xuất hiện trên sa mạc, rừng núi, bất ngờ triển khai tấn công và biến mất.

Tư lệnh liên quân do Mỹ dẫn đầu – Tướng ba sao Steve Townsend nhận xét: “Chúng sẽ ẩn mình giữa cộng đồng dân thường. Quy mô các nhóm sẽ nhỏ hơn, thay vì cả một đoàn quân, chúng sẽ chỉ đi thành đội nhỏ. Lực lượng đối tác Iraq sẽ phải thích nghi với lối hoạt động kiểu này. Chúng tôi cũng đang nỗ lực bắt đầu huấn luyện họ để đối phó với chiến thuật mới của IS”.

Hiện lực lượng Iraq có thể chiến thắng tại Mosul, và một số thành phố khác như Fallujah và Ramadi ở tỉnh Anbar. Song giới chức địa phương lo ngại các thành phố đó vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng do các đợt tấn công từ khu vực sa mạc rộng lớn gần đó  - địa bàn cũng như nơi ẩn náu an toàn cho các tay súng cực đoan.

Ông Emad Dulaimi – quan chức tỉnh Anbar giải thích: “Các hoạt động an ninh sẽ trở nên vô dụng nếu như quân đội Iraq không kiểm soát được vùng sa mạc đó. Bọn chúng không hình thành tổ chức mà tiến hành tấn công cá nhân. Xe đánh bom liều chết. Người đánh bom liều chết. Mọi người sợ IS một ngày nào đó sẽ quay lại. Hàng ngày đều xảy ra các cuộc tấn công”.

Trong khi đó, Tareq Youssef al-Asal – thủ lĩnh một bộ tộc, chia sẻ nỗi lo trước tình trạng các lực lượng an ninh địa phương không có sự hợp tác với nhau trong việc chống IS, cũng như phàn nàn ban lãnh đạo các lực lượng chẳng có kinh nghiệm chiến đấu trên sa mạc.

Đối với người dân tại các tỉnh vừa giành chiến thắng, một số còn tỏ ra hoài nghi về khả năng của các lực lượng an ninh.

Anh Ahmed al-Issawy – người dân tại tỉnh Anbar – cho biết anh không có kế hoạch sớm mở lại nhà hàng của mình. Anh lo sợ nó rồi sẽ lại bị phá hủy như những gì đã diễn ra trong cuộc giao tranh giữa quân đội Iraq và IS năm 2014.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Báo Trung Quốc dọa chiến tranh, truyền thông Ấn Độ khoe tên lửa phủ hết Trung Quốc
Báo Trung Quốc dọa chiến tranh, truyền thông Ấn Độ khoe tên lửa phủ hết Trung Quốc

Trong khi căng thẳng biên giới giữa hai nước kéo dài suốt từ tháng 6 tới nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, báo chí Ấn Độ và Trung Quốc dường như “đổ thêm dầu vào lửa” khi một bên dọa chiến tranh tổng lực, một bên khoe tên lửa phủ khắp lãnh thổ đối phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN