“Đối đầu toàn lực”
Báo chí Trung Quốc ngày 18/7 cảnh báo Ấn Độ nên sẵn sàng cho một cuộc “đối đầu toàn lực” dọc toàn bộ khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước, đồng thời dọa mở các mặt trận xung đột mới trên đường biên giới 3.488 km chưa phân định.
Báo chí Trung Quốc, Ấn Độ góp phần làm xung đột hai bên thêm căng thẳng. Ảnh: PTI |
Tờ Thời báo Hoàn cầu trong một bài bình luận có viết: Trung Quốc không sợ chiến tranh với Ấn Độ và sẽ sẵn sàng đối đầu lâu dài.
Đe dọa xung đột ở các điểm mới dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC) được đưa ra trong bối cảnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã tập trận bắn đạn thật ở khu tự trị Tây Tạng gần Arunachal Pradesh mà Trung Quốc tuyên bố là một phần của phía nam Tây Tạng.
Theo tờ Hindustan Times, cùng với tờ Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu luôn trên mặt trận tấn công Ấn Độ bằng các bài xã luận. Kế hoạch “chiến đấu” của tờ này đơn giản, ngắn gọn: phản đối quan điểm của Ấn Độ về xung đột hiện nay và nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc.
Tác giả Duo Mu trên Thời báo Hoàn Cầu cho rằng từ chiến tranh biên giới năm 1962, phía Ấn Độ liên tục gây hấn và khuyên Trung Quốc thực hiện thêm các biện pháp trả đũa dọc LAC.
Bài xã luận còn có đoạn: “Nếu Ấn Độ định dành nhiều nguồn lực hơn ở khu vực biên giới thì hãy cứ như vậy. Trung Quốc có thể cạnh tranh với Ấn Độ về triển khai nguồn lực quân sự và kinh tế ở khu vực biên giới”.
Bài xã luận cũng “khoe” cơ sở hạ tầng kinh tế và quân sự vượt trội ở biên giới và chỉ rõ đó là một lợi thế. Tác giả bài xã luận cho rằng ở Trung Quốc, xuất hiện những tiếng nói kêu gọi trục xuất binh sĩ Ấn Độ ngay tức khắc để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Khoe tiềm lực quân sự
Trong khi đó, tờ India Express của Ấn Độ cho biết Ấn Độ dường như đang hiện đại hóa quân đội và năng lực hạt nhân nhằm để mắt tới Trung Quốc. Chính sách công khai của Ấn Độ là răn đe hạt nhân và không tấn công trước.
Tuy nhiên, tờ này bình luận: Chương trình hiện đại hóa, đặc biệt là chương trình tên lửa đạn đạo, cho thấy Ấn Độ có ý đồ đưa toàn bộ Trung Quốc vào tầm tấn công.
Năng lực quân sự của Ấn Độ gia tăng hàng năm trong bối cảnh tiếp tục đối mặt với đe dọa trên cả mặt trận phía Đông lẫn phía Tây, từ Pakistan, Trung Quốc bên ngoài, cho đến phiến quân, khủng bố bên trong.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và đang hiện đại hóa toàn diện quân đội. Ấn Độ phát triển nhanh chóng công nghệ quân sự mới, sản xuất vũ khí, máy bay, tàu hải quân mới để biến quân đội thành một lực lượng mạnh nhằm đối phó với các mối đe dọa này.
Chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Ấn Độ cũng gây lo ngại với các đối thủ.
Bài viết trên tờ India Express còn điểm qua sức mạnh của các lực lượng của Ấn Độ. Quân đội nước này có tổng cộng hơn 4,2 triệu quân nhân, trong đó tính cả dự bị.
Không quân Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến, xung đột vì phải đảm nhiệm các nhiệm vụ như do thám, giám sát, giải cứu, cứu nạn cũng như các chiến dịch đặc biệt. Không quân Ấn Độ có 2.102 máy bay các loại.
Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ là lực lượng hải quân lớn thứ 5 thế giới, có các tàu ngầm chiến thuật, tàu ngầm chạy bằng hạt nhân, tàu sân bay… Hải quân đóng vai trò lớn trong chiến thắng của Ấn Độ trước cuộc chiếc với Pakistan năm 1971. Hải quân Ấn Độ có 295 tàu các loại.
Về phần lục quân, đây là lực lượng xương sống của các lực lượng vũ trang Ấn Độ với hơn 1,2 triệu quân, được chia thành 35 lữ đoàn. Lục quân Ấn Độ mạnh thứ ba thế giới nếu tính theo số lượng quân nhân, sau Trung Quốc và Mỹ.
Về năng lực tên lửa hạt nhân, Ấn Độ có 130 đầu đạn hạt nhân, lớn thứ 7 thế giới. Ấn Độ có nhiều hệ thống phóng có thể bắn đầu đạn hạt nhân.