Tuy nhiên, quyết định trên vấp phải sự chỉ trích từ Liên đoàn thẩm phán Bulgaria và từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). Những người phản đối lo ngại rằng quy chế đặc biệt của tòa án trên có thể đồng nghĩa với các phán quyết mang các động cơ chính trị, mà không giải quyết vấn đề thực sự vì thiếu các cuộc điều tra tham nhũng hiệu quả và đưa ra các cáo buộc thích đáng.
Bulgaria là thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007, tuy nhiên cũng giống như Romania, nước này đang bị giám sát vì tình trạng tham nhũng tràn lan. EU thường xuyên phê phán Bulgaria không đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.
Trong báo cáo mới nhất, công bố tháng 1 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi sửa đổi luật hình sự để "cải thiện khung pháp lý cho việc truy tố tham nhũng ở cấp cao và các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức".
Mùa thu tới, Quốc hội Bulgaria sẽ bỏ phiếu thông qua một biện pháp khác, nhằm thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới, theo đề nghị của EU. Ủy ban này sẽ thống nhất toàn bộ các biện pháp đang được áp dụng riêng lẻ trong các cơ quan khác nhau để tạo chuyển biến trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trước đó, Quốc hội Bulgaria đã hai lần bác bỏ các đề xuất tương tự.
Theo kế hoạch, EC sẽ công bố báo cáo tiếp theo về Bulgaria vào tháng 12 tới, ngay trước khi nước này tiếp nhận cương vị Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm 2018.