Tuyên bố của Chính phủ Bulgaria nêu rõ vào thời điểm hiện tại, nước này tin rằng quyết định không tham gia Hiệp ước Toàn cầu về Di cư an toàn, trật tự và đều đặn sẽ "bảo vệ tối đa lợi ích của đất nước và người dân". Theo đó, Bulgaria sẽ không tham dự lễ thông qua một thỏa thuận tự nguyện tại Maroc vào tuần tới.
Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ được 193 quốc gia thành viên LHQ thông qua hồi tháng 7 vừa qua, ngoại trừ Mỹ, nước đã rút ra khỏi hiệp ước này vào năm 2017. Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà.
Hiệp ước trên ra đời sau khi làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trong đó đa số phải trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở Trung Đông và châu Phi. Đến nay, lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng cơn dư chấn chính trị do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại Liên minh châu Âu (EU).
Một số quốc gia thuộc khu vực Đông Âu như Cộng hòa Séc, Bulgaria, Hungary, Ba Lan và Slovakia đã ngỏ ý rút khỏi hiệp ước trên của LHQ, một dấu hiệu cho thấy EU đang ngày càng siết chặt việc chấp nhận người tị nạn và người di cư.
Vấn đề này cũng có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Bỉ, nơi Thủ tướng Charles Michel ủng hộ nhưng đảng Liên minh Flamand mới N-VA lại đang đe dọa sẽ phá vỡ liên minh cầm quyền nếu ông Michel ký hiệp ước này.
Trong khi đó, Áo thông báo sẽ không đưa ra cam kết, còn Italy dường như không ủng hộ Hiệp ước của LHQ sau tuyên bố phản đối của Bộ trưởng nội vụ Italy Matteo Salvini. Tại Hà Lan, một cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng 41% số người được hỏi phản đối việc ký kết hiệp ước so với 34% ủng hộ. Bên ngoài EU, Australia cũng khẳng định sẽ không tham gia hiệp ước.
Ngày 4/12, Ủy viên phụ trách di trú của EU Dimitris Avramopoulos đã kêu gọi các nước thành viên ủng hộ Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ.