Trong một tuyên bố chung với các bộ trưởng nội vụ và ngoại giao Australia, Thủ tướng nước này Scott Morrison cho rằng việc thông qua hiệp ước trên "có nguy cơ khuyến khích hoạt động nhập cư trái phép vào Australia và đẩy lùi những thành tích khó khăn lắm mới đạt được trong cuộc chiến chống nạn buôn người".
Trong khi đó, các bộ trưởng nội vụ và ngoại giao Australia cho rằng hiệp ước này "không phù hợp với các chính sách cũng như không phục vụ lợi ích của Australia".
Thủ tướng Morrison đã đề ra chính sách cứng rắn của chính quyền Australia đối với vấn đề người nhập cư, theo đó những người di cư trái phép tìm cách vượt biển vào nước này xin tị nạn sẽ bị giam giữ tại các đảo xa ở Thái Bình Dương.
Đầu tuần này, ông Morrison thông báo sẽ tìm cách giảm số người di cư hợp pháp vào nước này từ mức trần hiện nay là 190.000 người/năm xuống khoảng 160.000 người/năm. Theo nhà lãnh đạo Australia, việc cắt giảm này là cần thiết để giải quyết tình trạng dân số quá tải tại các thành phố lớn của nước này.
Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ được các nước thành viên LHQ tán thành hồi tháng 7 vừa qua, sau 18 tháng thương lượng. Dự kiến hiệp ước sẽ được đưa ra thông qua tại một hội nghị của LHQ ở Maroc từ ngày 10 - 11/12 tới. Đây sẽ là văn kiện quốc tế đầu tiên về kiểm soát hoạt động di cư.
Hiệp ước đề ra 23 mục tiêu để đảm bảo các hoạt động di cư hợp pháp, đồng thời quản lý tốt hơn dòng người di cư toàn cầu trong bối cảnh số người này đã lên tới 250 triệu, chiếm tới 3% dân số thế giới.
Các cuộc đàm phán kéo dài suốt 18 tháng về hiệp ước này đã vấp phải nhiều trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp, trong đó một số chính phủ kiên quyết trả những người di cư không có giấy tờ phù hợp về nơi xuất xứ của họ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản đối hiệp ước trên từ năm ngoái. Chính phủ các nước Áo, Hungary, CH Séc cũng đã tuyên bố không ủng hộ hiệp ước này, và mới đây nhất, Ba Lan và Israel ngày 20/11 cũng công bố quyết định tương tự.