BRICS- 15 năm khẳng định vị thế

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16/10 tới tại thành phố Goa (Ấn Độ).

Đây sẽ là dịp để BRICS bàn thảo các biện pháp giải quyết những vấn đề chung nội khối và khẳng định vị thế trên bàn cờ quốc tế, nhất là khi năm nay, nhóm kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển.

Nghị sự nóng


Theo kế hoạch, tại Hội nghị thượng đỉnh ở Goa, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ tập trung thảo luận thúc đẩy cải tiến hệ thống quản trị toàn cầu, về các xu hướng kinh tế thế giới cũng như ảnh hưởng của các nước thành viên đối với thương mại - đầu tư nội khối và quốc tế trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện vô cùng ảm đạm.

Các nhà lãnh đạo BRICS trong cuộc gặp tại Hàng Châu, Trung Quốc ngày 4/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước thềm hội nghị, Trung Quốc ngày 9/10 đã đề xuất thành lập một khu vực tự do thương mại nội khối, nhấn mạnh rằng bước đi này sẽ tạo dựng “một hình thức hợp tác quan trọng” giữa các nước thành viên.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thông qua việc thiết lập một khu vực tự do thương mại, các nước BRICS sẽ có thể xóa bỏ những hàng rào thuế quan và phi thuế quan, thể hiện được hết lợi thế cạnh tranh của mình và thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khối này. Bộ trên cho rằng một khu vực tự do thương mại sẽ giúp các nước BRICS đạt được lợi ích và sự phát triển chung cũng như thúc đẩy hợp tác Nam - Nam trên quy mô toàn cầu.

Hội nghị cũng ưu tiên thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố cam go hiện nay, với mục tiêu BRICS muốn đóng góp tiếng nói lớn hơn trong những nỗ lực chung của thế giới trong vấn đề này. Nước chủ nhà Ấn Độ dự kiến sẽ đề xuất lập một quỹ tái thiết Syria, trong bối cảnh Nga - một cường quốc trong khối - từ hơn một năm nay đã triển khai quân đội, hỗ trợ chính phủ Syria chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong một cuộc họp trước đó, các cố vấn cấp cao về an ninh của BRICS, cũng đã nhất trí hợp tác để ngăn chặn các phần tử khủng bố tiếp cận nguồn tài chính và vũ khí, đồng thời cam kết phối hợp nỗ lực nhằm đối phó với khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực bắt nguồn từ khu vực Tây Á và Bắc Phi.

Hội nghị này được xem là một cơ hội tốt để tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy thương mại và hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ nội khối.

Những trái ngọt

Có lẽ chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs Jim O’Neil không thể tưởng tượng được rằng cụm từ “BRICS” mà ông đề cập năm 2001 để nói tới 4 nước mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc trong một nghiên cứu của mình sau này lại có thể gắn kết sức mạnh của 5 nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới.

Theo thống kê, BRICS hiện chiếm 43% tổng dân số thế giới với vị trí trải rộng 26% diện tích thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của BRICS chiếm 27% tổng GDP thế giới và 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

BRICS đã ra nhiều quyết định quan trọng, không chỉ giúp khẳng định vị thế của khối đối với kinh tế thế giới, mà còn cả với tình hình địa - chính trị thế giới.

Việc BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) hồi tháng 7/2014 được cho là nhằm đối trọng với các định chế tài chính mà phương Tây chế ngự trong nhiều thập kỷ qua. Giới chuyên gia cho rằng đây là một bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một trật tự toàn cầu công bằng hơn. Một ngân hàng chung sẽ cho phép các nước BRICS có nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ tín dụng để đối phó với các cuộc khủng hoảng như châu Âu hiện đang phải đối mặt.

Ước tính, các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững được NDB cung cấp tài chính sẽ góp phần giảm gần 4 triệu tấn khí tải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm. NDB cũng đã cấp các khoản vay đầu tiên với tổng trị giá 811 triệu USD để đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo ở cả 5 nước thành viên. Ngoài ra, ngân hàng này còn có kế hoạch phát hành trái phiếu bằng các đồng nội tệ của khối, trước tiên là đồng nhân dân tệ, đồng thời thành lập một quỹ ngoại hối trị giá hàng trăm tỷ USD để các nước có thể hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Hợp tác tài chính và kinh tế của BRICS được coi như mô hình sáng tạo mới nhằm thúc đẩy hợp tác Nam - Nam. Điều này có thể nhận thấy ở các nước BRICS thực hiện các kế hoạch hành động Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và cung cấp những bảo đảm về tính thanh khoản, giảm nợ, gia nhập thị trường và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ các nước nghèo. Bản thân mỗi nước BRICS cũng đã mở rộng quy mô viện trợ nước ngoài cho các nước kém phát triển.

Và những tồn tại

BRICS đang phải đối mặt với một số vấn đề như khoảng cách thu nhập lớn, thiếu minh bạch tài chính và cơ sở hạ tầng không đồng đều. Ngoài ra, môi trường kinh tế bên ngoài không thuận lợi khiến tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế mới nổi chững lại, dẫn đến xu hướng phát triển khác nhau giữa các nền kinh tế BRICS. Liên kết địa chính trị yếu, quan hệ nội bộ và bên ngoài phức tạp, và năng lực quản lý không đầy đủ cũng đặt ra những thách thức cho nhóm BRICS.

Theo giới quan sát, trước những “chướng ngại vật” như vậy, đây là thời điểm tốt để Trung Quốc vươn lên, đóng vai trò đầu tàu trong việc khuyến khích hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước nội khối, nhất là khi từ ngày 1/1/2017, Trung Quốc sẽ đảm nhận chức Chủ tịch nhóm BRICS. Trung Quốc có thể được coi như nhân tố thúc đẩy việc thực hiện các cam kết chính sách, củng cố tăng trưởng dài hạn thông qua đổi mới và cải cách cơ cấu, duy trì sự ổn định tài chính ở các thị trường mới nổi, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phối hợp chính sách giữa nhóm BRICS và các tổ chức kinh tế khác như Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Nhóm 7 nước phát triển hàng đầu thế giới (G7)…

Với một Brazil phát triển mạnh về nông nghiệp; một nước Nga xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới; một Ấn Độ với trình độ phát triển công nghệ thông tin và kho tri thức khổng lồ; một Trung Quốc với nguồn nhân lực dồi dào, tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và dự trữ ngoại tệ khổng lồ; cùng một Nam Phi có nền kinh tế lớn nhất châu Phi, sức mạnh và ảnh hưởng của BRICS chắc chắn sẽ ngày càng tăng lên.
Thanh Phương
Ngân hàng Phát triển BRICS giao dịch bằng đồng nhân dân tệ
Ngân hàng Phát triển BRICS giao dịch bằng đồng nhân dân tệ

Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ phát hành trên thị trường tài chính những trái phiếu đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc với trị giá 1 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN