Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang kỳ vọng sẽ định hình, đóng vai trò "trung tâm" của kinh tế thế giới trong tương lai gần. Tuy nhiên, hiện nay, các nền kinh tế BRICS bắt đầu xuất hiện những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến nhóm này chưa bứt phá mạnh mà ngược lại đang có dấu hiệu chững lại: tăng trưởng chậm, kim ngạch thương mại giảm, chính sách lãi suất, giá hàng hóa, khả năng cạnh tranh... có vấn đề. Kinh tế Brazil từng được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong thập kỷ tới, nhưng thực tế nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này gần như "giậm chân tại chỗ" trong 2 năm qua. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2015, quốc gia Nam Mỹ còn tăng trưởng âm. Hiện nước này vẫn chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp.
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị BRICS ngày 9/7 tại Ufa, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về trường hợp Trung Quốc, năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được thông báo tăng 7%, đạt mục tiêu tăng trưởng do chính phủ đề ra, nhưng theo các chuyên gia kinh tế quốc tế và khu vực, mức tăng trưởng kinh tế thực tế của Trung Quốc chỉ đạt từ 4,5% đến 6%.
Trong khi đó, sự tự tin của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về chính sách cải cách và tăng trưởng kinh tế cao đang bị lung lay khi nền kinh tế quốc gia Nam Á này chứng kiến tỉ lệ lạm phát tăng, thâm hụt ngân sách và bất cập về cơ cấu kinh tế. Hơn nữa, các chương trình cải cách kinh tế của chính phủ Ấn Độ hiện vấp phải trở ngại chính trị khi các đảng phái đối lập nước này đang ngăn cản việc thông qua các chính sách cải cách của chính phủ tại Quốc hội. Đặc biệt, mâu thuẫn chính trị đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và làm giảm lòng tin của các nhà kinh tế và giới kinh doanh trong và ngoài nước.
Sự thất bại của chính phủ trong việc thực hiện những chương trình cải cách có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. Trên thực tế, kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền hồi năm ngoái với cam kết đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng đôi chút, nhưng tốc độ thay đổi chậm hơn so với sự trông đợi đặt vào một nhân vật mà nhiều người hy vọng sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh cho nền kinh tế vốn đang trì trệ. Ngoài ra, cũng như Trung Quốc, Brazil, Nga và các nền kinh tế mới nổi khác, Ấn Độ cũng là một "nạn nhân" của quá trình chuyển dịch vốn đầu tư, lưu thông hàng hóa và nguồn tài chính toàn cầu.
Một trong những nhân tố được coi là quyết định để các nền kinh tế mới nổi BRICS có thể vươn lên một cách bền vững là vấn đề chính trị, chính sách kinh tế và thể chế quản lý. Mặc dù các nước BRICS có thể tận dụng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và các chu kỳ lưu thông hàng hóa nhanh song các nước này không thể khống chế tỉ lệ lạm phát cao. Trước đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã rơi vào tình trạng phát triển trì trệ không phải xuất phát từ nguyên nhân kinh tế và lòng tin của giới doanh nghiệp mà là vấn đề chính trị. Ví dụ, hiện nay Brazil đã không thể kiểm soát được nạn tham nhũng hay khu vực hành chính công đang phát triển "phi mã”... nên Tổng thống Dilma Rousseff rất khó thay đổi và đưa ra các chính sách kinh tế mới.
Quan niệm rằng các nền kinh tế mới nổi BRICS ít bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của kinh tế toàn cầu, giá hàng hóa giảm và thị trường tài chính không ổn định... là điều "không tưởng”.
Ngoài ra, các nước thành viên BRICS đang khó khăn trong việc cân bằng lợi ích, chính sách kinh tế, khả năng cạnh tranh... Ngoài ra, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Nga, Brazil và Nam Phi hiện nay có thể bắt nguồn từ việc không giải quyết dứt điểm tình trạng độc quyền của một nhóm doanh nghiệp nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi và sự bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng các nền kinh tế mới nổi này chưa áp dụng trọn vẹn bài học, kinh nghiệm từ Singapore, quốc gia đã giải quyết thành công giữa vấn đề chính trị và chính sách kinh tế, lợi ích nhóm, nạn tham nhũng...