Trong căn lều gỗ lụp xụp tại một khu phố nghèo ở phía đông Sao Paulo, bà Ana Maria Nogueira, 56 tuổi, phải thêm một chút hương vị thịt xông khói vào nồi cơm đang nấu trên bếp. Nạn đói đang khiến gia đình bà khốn khổ hơn bao giờ hết. Chồng của bà, ông Eraldo, lại là người khuyết tật.
Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Brazil trở nên tồi tệ hơn trong tuần gần đây, với tỷ lệ tử vong cao kỷ lục, một cuộc khủng hoảng khác đang diễn ra, đó là nạn đói và mất an ninh lương thực.
Vợ chồng bà Ana và Eraldo là 2 trong số 19 triệu người Brazil rơi vào cảnh nghèo đói trong đại dịch. Trong khi đó, gần 117 triệu người, chiếm hơn một nửa dân số Brazil, đang phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực, theo một nghiên cứu mới.
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao do đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng này. Bên cạnh đó, việc cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội và các mặt hàng thực phẩm tăng giá mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn đói ở Brazil.
“Đó là một thảm kịch hoàn toàn có thể lường trước được. Chắc chắn mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi đại dịch bùng phát”, ông Renato Maluf, Giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu An ninh Dinh dưỡng và Lương thực Brazil (PENSSAN Network), nói. Ông Maluf là người điều phối nghiên cứu được tiến hành hồi tháng 12/2020, khi người dân Brazil vẫn nhận được các khoản hỗ trợ COVID-19 khẩn cấp từ chính phủ.
Brazil đã được đưa ra khỏi danh sách nạn đói thế giới của Liên hợp quốc vào năm 2014, sau nhiều năm nỗ lực giảm nạn đói thông qua các chương trình xã hội và chính sách công hiệu quả.
Tuy nhiên, năm 2015, cuộc suy thoái và khủng hoảng chính trị ập đến. Chính phủ Brazil phải đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Năm 2018, khi Tổng thống Jair Bolsonaro lên nắm quyền, tình trạng nghèo đói cùng cực đã tăng lên đáng báo động.
“Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây. Chắc chắn là tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng vào năm 2021”, Marcelo Neri, nhà kinh tế Brazil cho biết
Ông Alexandre Padilha, nghị sĩ đảng Công nhân cánh tả, cựu Bộ trưởng Y tế Brazil, cho biết nạn đói gia tăng và tình trạng mất an ninh lương thực đặc biệt đáng lo ngại trong đại dịch COVID-19. Khi tình trạng thất nghiệp gia tăng, nhiều người phải ra ngoài làm các công việc lặt vặt và đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Họ cũng có thể dễ mắc COVID-19 hơn vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu do thiếu dinh dưỡng.
“Thảm họa kép đang đẩy người dân vào những tai họa tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil. Điều này sẽ làm tổn hại đến các thế hệ tương lại ở đất nước chúng ta”, ông Padilha nói.
Giá lương thực tăng cao
Brazil là quốc gia xuất khẩu lương thực lớn. Sao Paulo cũng là một trong những thành phố giàu có nhất Nam Mỹ. Song đối với người dân sống trong những khu dân cư nghèo ở ngoại ô của thành phố, ăn ba bữa bổ dưỡng mỗi ngày ngày là một điều xa xỉ mà họ không thể chi trả nổi. Tình hình ở đây còn tồi tệ hơn các vùng nông thôn.
“Một người nghèo ở thành phố có thể ra đường và xin thức ăn, còn người nghèo ở nông thôn thì không thể”, ông Maluf nói.
Bà Ana phải đi thu gom phế liệu ba lần/tuần. Nếu may mắn, bà sẽ kiếm được 20 USD/ngày. Trong khi đó, bao gạo 5kg hiện đang nuôi sống gia đình có giá bán 25 USD ở siêu thị địa phương.
Giá các loại lương thực cơ bản đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Điều này có tác động không cân xứng đối với những công dân nghèo khó. Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil, trong một năm, giá một kg gạo đã tăng gần 70%, trong khi đỗ đen, khoai tây, thịt, sữa và dầu đậu nành cũng tăng cao. Theo báo cáo của viện nghiên cứu, giá một bình gas ở Brazil cũng đã tăng 20% trong năm qua.
Ông Edilson Lino Bastos, Phó Chủ tịch Viện Keralux, một hiệp hội hỗ trợ lương thực cho biết: “Nhu cầu luôn tăng và chúng tôi không thể cung cấp đủ cho người dân”.
Hiệp hội đã nhận được 1.000 bao lương thực từ một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất của Brazil khi đại dịch bùng phát. Nhưng hiện tại, những khoản hỗ trợ đó đã cạn kiệt.
Các khoản trợ cấp bị cắt giảm
Cách nhà của bà Ana 5 phút đi bộ, cô Danila Oliveira, 27 tuổi, cho biết nếu không có sự giúp đỡ và các khoản hỗ trợ, cô và ba đứa con nhỏ của cô sẽ chết đói: “Tôi phải ngừng mua trái cây cho bọn trẻ vì giá cả leo thang”.
Cô Giane Santos, 29 tuổi, sống trong một ngôi nhà khang trang hơn trong khu vực, chia sẻ kể từ khi mất việc ở nhà hàng địa phương cách đây 4 tháng, cô và chồng đã phải bỏ một số bữa ăn để dành tiền cho cậu con trai nhỏ được ăn uống đầy đủ.
“Chúng tôi không ăn thịt nữa, thay vào đó chúng tôi ăn trứng,” cô Giane nói.
Chồng của cô cũng mất việc giao hàng. Giờ đây, anh phải ra ngoài tìm việc lặt vặt để chi trả các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Điều này càng khiến anh dễ bị nhiễm virus.
Giane nói rằng khoản cứu trợ khẩn cấp 600 USD – 1200 USD mà Chính phủ Brazil hỗ trợ hàng tháng cho các cá nhân và gia đình vào năm ngoái, đã giúp họ không rơi vào cảnh nghèo đói.
Theo dữ liệu từ Quỹ Getulio Vargas, khi các khoản cứu trợ khẩn cấp được phân phối vào tháng 8/2020, tình trạng nghèo cùng cực đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ ảnh hưởng đến 4,5% người dân Brazil. Nhưng các khoản này đã giảm dần và sau đó ngừng lại vào cuối năm.
Hiện tại, tình trạng nghèo đói cùng cực đã tăng lên 12,8% từ tháng 1 đến tháng 3 trong năm nay.
Tuần trước, khi Brazil đạt kỷ lục về số ca tử vong do COVID-19, các nhà lập pháp đã thông qua một gói viện trợ khẩn cấp mới, nhưng với số tiền nhỏ hơn, trung bình chỉ 250 USD/ tháng.
Nghị sĩ Padilha cho biết các thành viên đối lập sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu ở hạ viện trong tuần này để khôi phục khoản viện trợ lên 600 USD. Nhưng đối với bà Ana và ông Eraldo, ngay cả khi các biện pháp đó được thông qua tại Quốc hội, những rắc rối về lương thực của họ vẫn sẽ tiếp diễn.
Vợ chồng bà đã bị mất toàn bộ giấy tờ tùy thân cách đây 2 tuần, khi chiếc lều gỗ của họ bị sập trong một trận mưa lớn. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ rất vất vả để nhận được bất kỳ quyền lợi nào.