Bộ trưởng Tài chính Đức sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết sẽ tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) trong ngày 16/4.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Scholz, 62 tuổi, nêu rõ: "Tôi luôn nói rằng sẽ tiêm vaccine khi đến lượt. Ngày đó đã đến. Tôi sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca". 

Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Angela Merkel, 66 tuổi, cũng sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca trong cùng ngày. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng từ chối bình luận về thông tin trên. Trước đó, cơ quan quản lý vaccine của Đức đã khuyến cáo hạn chế sử dụng vaccine của AstraZeneca cho những người ngoài 60 tuổi, viện dẫn nguy cơ xảy ra tình trạng đông máu hiếm gặp. 

Hiện đang dấy lên lo ngại xung quanh vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca dẫn đến nguy cơ đông máu hiếm gặp, khiến nhiều quốc gia hạn chế sử dụng chế phẩm này đối với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge ngày 15/4 tái khẳng định lợi ích của việc tiêm vaccine AstraZeneca vẫn lớn hơn so với những rủi ro.

Quan chức WHO cũng chỉ ra rằng trong số 200 triệu người đã tiêm vaccine của AstraZeneca, chỉ có rất ít ca mắc rối loạn đông máu hiếm gặp. Ông nhấn mạnh nguy cơ mắc đông máu ở những bệnh nhân COVID-19 cao hơn nhiều so với những người tiêm vaccine AstraZeneca.

* Hãng dược phẩm của Anh GlaxoSmithKline (GSK) đang chờ giấy phép phê duyệt từ các nhà quản lý y tế Australia cho việc lưu hành thương mại một loại thuốc điều trị bệnh COVID-19 mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, công ty công nghệ sinh học trị giá khoảng 88 tỷ USD vừa nhận được "quyết định tạm thời" từ Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu của Australia cho liệu pháp điều trị bệnh COVID-19 bằng kháng thể, được gọi là thuốc Sotrovimab. Đại diện của GSK cho biết công ty hy vọng thuốc Sotrovimab sẽ sớm được phê duyệt chính thức để đưa vào điều trị cho những bệnh nhân nhiễm virus SAR-CoV-2 thể nhẹ và trung bình. 

Trước đó, sản phẩm của GSK đã được giới chức y tế Mỹ phê duyệt để đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Mỹ, bao gồm hình thức điều trị bằng kháng thể REGEN-COV của hãng dược phẩm Regeneron, một liệu pháp mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng được áp dụng điều trị khi mắc COVID-19 vào năm 2020.

GSK bắt đầu tiến trình đăng ký giấy phép sử dụng khẩn cấp cho sản phẩm của mình tại Mỹ vào cuối tháng trước, sau khi phân tích tạm thời về thử nghiệm giai đoạn 3 của thuốc điều trị cho thấy số ca nhập viện do COVID-19 giảm 85% triệu chứng sau khi sử dụng sản phẩm của hãng. Tại Australia, quyết định tạm thời sẽ cho phép công ty khởi động tiến trình gửi dữ liệu cho các cơ quan y tế cấp tiểu bang phê duyệt.

Tiến sĩ Krystal Evans, Trưởng nhóm y tế về phương pháp điều trị bệnh COVID-19 tại chi nhánh GSK Australia, cho biết điều trị bằng thuốc Sotrovimab sẽ giúp người bệnh tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại virus. Bà giải thích thuốc của GSK sử dụng các kháng thể đơn dòng được thiết kế dựa trên các kháng thể tự nhiên mà cơ thể tạo ra. Vài trò của chúng là ức chế virus và ngăn chặn chúng xâm nhập vào các tế bào chủ, dựa trên phương thức truy vết virus và giúp chống lại các tế bào đã bị nhiễm bệnh.

Tại Australia, GSK có một cơ sở sản xuất đặt tại vùng Boronia thuộc thành phố Melbourne (bang Victoria). Tuy nhiên, công ty có kế hoạch sẽ đóng cửa cơ sở này vào cuối năm 2022, sau 50 năm hoạt động. Các nghiên cứu của công ty về phương pháp điều trị bệnh COVID-19 đều được thực hiện ở nước ngoài, do số ca bệnh COVID-19 tại Australia tương đối thấp, không phù hợp cho việc thử nghiệm các phương pháp điều trị.

Phương Oanh - Diệu Linh (TTXVN)
Đức muốn sử dụng rộng rãi kháng thể của hãng Regeneron trong điều trị COVID-19
Đức muốn sử dụng rộng rãi kháng thể của hãng Regeneron trong điều trị COVID-19

Ngày 15/4, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết Đức muốn loại kháng thể tổng hợp do công ty công nghệ sinh học Regeneron của Mỹ bào chế được sử dụng rộng rãi hơn trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ở nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN