Theo phóng viên TTXVN tại Đức, số ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận được lên tới 25.798 ca, mức cao nhất kể từ ngày 8/1, thời điểm ghi nhận có 26.388 ca nhiễm mới. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cũng tăng thêm 312 ca, lên 79.234 ca. Hiện trên cả nước đang có 257.282 ca dương tính với SARS-CoV-2. Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), biến thể ở Anh hiện chiếm đa số các ca nhiễm mới ở Đức, cụ thể là chiếm tới gần 85% tổng số ca nhiễm mới.
Trước đó, giới chức Đức thông báo trong ngày 13/4 đã có 15/16 bang có tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 100 trong 7 ngày/100.000 dân, trong đó có 3 bang có tỷ lệ vượt quá 200 là Sachsen, Sachsen-Anhalt và Thüringen. Nếu theo dự thảo luật hãm phanh khẩn cấp mới, ngoại trừ bang Schleswig-Holstein, tất cả 15 bang còn lại đều phải "kéo phanh khẩn cấp", cụ thể là phải phong tỏa nghiêm ngặt với các lệnh giới nghiệm và hạn chế tiếp xúc. Hiện dự luật sửa đổi Luật Phòng chống lây nhiễm đang được Quốc hội thảo luận và có thể được thông qua trong tuần tới.
Tuy nhiên, theo Thủ hiến bang Bayern Markus Söder, kế hoạch "phanh khẩn cấp" dự kiến được áp đặt với bất cứ quận/huyện/thành phố nào có tỷ lệ nhiễm mới trên 100 là chưa đủ để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 hiện nay. Ông Söder nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng rằng điều đó là đúng đắn. Nhưng chỉ với biện pháp đó sẽ không hiệu quả, chúng ta cần phải suy nghĩ thêm". Ông kêu gọi thay đổi quy định về tiêm chủng, cần linh hoạt hơn và giảm quan liêu để tăng tốc độ tiêm chủng, đồng thời cảnh báo tình hình COVID-19 ở Đức vẫn còn rất khó khăn phía trước.
Liên quan tình hình vaccine ở Đức, chuyên gia về y tế của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Karl Lauterbach kêu gọi Đức chuẩn bị sẵn sàng thủ tục phê duyệt khẩn cấp vaccine từ nhà sản xuất Curevac ở Tübingen. Theo ông, nếu Curevac hoạt động tốt như Biontech hoặc Moderna, thì loại vaccine này nên được phê duyệt và tiêm chủng càng sớm càng tốt. Ông nhấn mạnh, Đức không nên đợi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), bởi thường mất quá nhiều thời gian để được cơ quan này phê duyệt, như trường hợp vaccine BioNTech/Pfizer trước đây. Cũng giống như vaccine BioNTech/Pfizer, vaccine Curevac cũng được phát triển dựa trên công nghệ mRNA. Dự kiến, kết quả nghiên cứu giai đoạn 3 của vaccine này sẽ được công bố trong những tuần tới.