Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời ông Klaus Holetschek, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Y tế Đức, hiện giữ chức Bộ trưởng Y tế bang Bayern, cho biết, giải pháp được đưa ra lúc này là nhằm bảo vệ tốt cho mọi người dân theo khuyến nghị trước đó của Uỷ ban Tiêm chủng thường trực (STIKO).
Cụ thể, các trường hợp đã tiêm mũi một với AstraZeneca (công nghệ vector) nên tiêm mũi thứ hai với vaccine sử dụng công nghệ mRNA, có thể là vaccine BioNTech/Pfizer hoặc Moderna.
Theo ông Holetschek, đây là giải pháp cơ bản tốt để bảo vệ hiệu quả mọi người. Tính đến tối 13/4, Đức đã tiêm chủng được 18,68 triệu liều, trong đó có 5,11 triệu người được tiêm đủ 2 mũi, chiếm 6,2% dân số.
Số liệu thống kê của các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 14.600 ca nhiễm mới và 351 ca tử vong - số ca tử vong cao nhất kể từ hơn một tháng qua. Trong khi đó, chỉ số lây nhiễm đều tăng ở hầu như các bang và hiện đã có 15/16 bang có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100 trong 7 ngày/100.000 dân. Tại Đức hiện có 4.688 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tích cực, trong đó có 2.666 ca phải sử dụng máy trợ thở. Số giường chăm sóc tích cực còn trống tiếp tục giảm và hiện chỉ còn 3.812 giường.
Cùng ngày 13/4, chính quyền Berlin đã nhất trí gia hạn các biện pháp phong tỏa, vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/4, cho tới ngày 9/5 tới. Theo đó, các hạn chế tiếp tục có hiệu lực, như chỉ cho phép tối đa 5 người từ hai hộ gia đình gặp gỡ, trừ trẻ em dưới 14 tuổi. Lệnh hạn chế đi lại ban đêm được áp đặt từ 9h tối đến 5h sáng và chỉ cho phép tối đa 2 người được gặp gỡ bên ngoài. Các khách sạn, nhà hàng tiếp tục bị cấm mở cửa (vẫn cho phép bán đồ mang đi).
Những quy định này sẽ là dưới luật liên bang một khi Luật Phòng chống lây nhiễm sửa đổi được phê chuẩn và có hiệu lực trên cả nước, dự kiến trong tuần tới. Luật mới, khi có hiệu lực, sẽ áp đặt phong tỏa bắt buộc với bất cứ quận/huyện/thành phố nào có tỷ lệ lây nhiễm trung bình vượt quá 100/100.000 dân trong 7 ngày. Hiện chỉ số lây nhiễm của Berlin là 127,6.