Cùng đi với ông Mattis có Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, người vừa tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm của tới Pakistan trong tuần này.
Mỹ đã tạm thời ngừng giải ngân khoản hỗ trợ quốc phòng trị giá 800 triệu USD cho Pakistan trong năm nay với cáo buộc Islamabad che giấu hoặc giúp đỡ phiến quân Taliban và mạng lưới Haqqani khi những tổ chức này tiến hành các vụ tấn công tại Afghanistan. Pakistan luôn phủ nhận những cáo buộc này.
Năm nay, Mỹ tiếp tục nỗ lực giúp Afghanistan bằng cách tăng cường các cuộc không kích nhằm vào Taliban trong khi cử thêm các nhóm binh lính tới huấn luyện và cố vấn nghiệp cụ cho Lực lượng Quốc phòng và An ninh của Afghanistan (ANDSF).
Trong cuộc gặp với Tổng thống Ghani tại phủ Tổng thống, các quan chức Mỹ đã thảo luận về tiến trình nhằm kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài 17 năm qua tại quốc gia này.
Người phát ngôn của Tổng thống Ghani cho biết hai bên đã thảo luận về tiến trình hòa bình, ảnh hưởng tích cực của chiến lược Nam Á, các hoạt động cải tổ ANDSF, các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sắp tới tại quốc gia này, cũng như các chiến dịch chống khủng bố và đối thoại với Pakistan.
Hiện có rất ít dấu hiệu để có thể tin tưởng rằng tình hình an ninh tại Afghanistan sẽ trở nên ổn định hơn trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng sắp tới lần lượt vào các tháng 10/2018 và tháng 4/2019.
Trước đó, phát biểu với báo giới trước khi tới Kabul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng bày tỏ hy vọng vào các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban và khẳng định cơ hội nối lại đàm phán đã rõ ràng hơn.
Trong mùa Hè vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ từng cử quan chức cấp cao gặp gỡ, đối thoại với một số thủ lĩnh chủ chốt của Taliban tại Qatar để thiết lập cơ sở cho các hoạt động đàm phán hòa bình diện rộng hơn. Chính quyền Mỹ dẫn việc Taliban chấp thuận lệnh ngừng bắn tạm thời hồi tháng 6 như dấu hiệu cho thấy có hy vọng vào khả năng diễn ra các cuộc đối thoại hòa bình sắp tới.
Afghanistan đã rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng rối ren trên, nhiều tổ chức khủng bố khác cũng đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ tháng 1/2009, hơn 26.500 thường dân ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này.