Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên kể từ khi hai nước láng giềng nhất trí rút quân khỏi khu vực biên giới Himalaya vào tuần trước.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ khi hai nước hoàn tất rút quân khỏi toàn bộ các điểm xung đột, hai bên cũng có thể xem xét khả năng giảm lực lượng trong khu vực ở quy mô rộng hơn, hướng tới khôi phục hòa bình và ổn định.
Trong cuộc điện đàm. Ngoại trưởng Jaishankar đánh giá việc hai nước gần đây rút quân tại khu vực Hồ Pangong Tso là một thành quả quan trọng trong việc thực thi sự đồng thuận mà Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã đạt được tại thủ đô Moskva của Nga. Ấn Độ bày tỏ hy vọng có thể tăng cường đối thoại và tham vấn với Trung Quốc, hoàn tất việc rút quân tại những khu vực khác sớm nhất có thể, thúc đẩy việc giảm leo thang tại biên giới.
Ông nêu rõ Ấn Độ sẽ hành động trên cở sở tầm nhìn phát triển dài hạn và mối quan hệ toàn diện với Trung Quốc, thực thi sự đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đạt được và đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng sớm nhất có thể. Cũng theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai bộ trưởng đã nhất trí duy trì liên lạc và thiết lập đường dây nóng.
Về phần mình, Bộ trưởng Vương Nghị cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ cần đi theo lộ trình đúng đắn hướng tới hợp tác và duy trì sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước láng giềng lớn. Theo ông, hai bên cần duy trì sự đồng thuận chiến lược mà lãnh đạo hai nước đã đạt được, cũng như xử lý vấn đề biên giới một cách phù hợp để tránh tác động đến quan hệ song phương.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh mặc dù tranh chấp biên giới là một thực tế và nên nhận được sự quan tâm phù hợp và giải quyết một cách nghiêm túc, song vấn đề này không phản ánh đầy đủ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hai nước cần phối hợp để đạt được mục tiêu phát triển, tạo điều kiện để cải thiện hơn nữa quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác thực tiễn.
Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã rút quân khỏi khu vực Hồ Pangong Tso với tình hình thực địa đã hạ nhiệt đáng kể. Trên cơ sở này, hai bên cần củng cố các thành quả và duy trì đà tham vấn, để xoa dịu tình hình hơn nữa. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần cải thiện cơ chế kiểm soát biên giới, thúc đẩy tiến trình đàm phán, tăng cường tin tưởng lẫn nhau để đạt được hòa bình và ổn định tại các khu vực biên giới.
Ngày 21/2 vừa qua, Ấn Độ xác nhận các binh sĩ của nước này và Trung Quốc đã hoàn tất quá trình rút quân khỏi khu vực Hồ Pangong tranh chấp ở phía Tây dãy Himalaya sau nhiều tháng leo thang căng thẳng. Tuyên bố chung của hai nước nêu rõ đây là một “bước tiến quan trọng” mang lại điểm khởi đầu tốt đẹp để giải quyết những tranh chấp khác ở khu vực phía Tây của biên giới tranh chấp này.
Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang trở lại hồi đầu tháng 5 năm ngoái trong bối cảnh hai bên triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ và nhiều vũ khí hạng nặng tại biên giới. Trong suốt hơn 80 năm qua, hai nước vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500 km dọc dãy Himalaya và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn. Hơn 20 vòng đàm phán vẫn chưa thể đưa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đi đến đồng thuận về vấn đề biên giới.