Ông Onyeama, 64 tuổi, đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 khi thấy có biểu hiện bị rát họng. Ông được cách ly tại một cơ sở y tế để tiến hành điều trị.
Nội các của Tổng thống Buhari đã tiến hành các cuộc họp của hội đồng điều hành nhằm đảm bảo duy trì hoạt động trong bối cảnh phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Chính phủ Nigeria đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa vào tháng 5 vừa qua, sau khi áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Ngoại trưởng Onyeama đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa công dân Nigeria mắc kẹt ở nước ngoài do các biện pháp hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19 về nước.
Trước đó, ông Abba Kyari, cựu Chánh văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria, đã tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tháng 4 vừa qua, và trở thành nhân vật có vị trí cao nhất tại Nigeria thiệt mạng vì COVID-19.
Theo số liệu thống kê, tính đến chiều 19/7, Nigeria đã ghi nhận tổng cộng 36.107 ca mắc COVID-19 và 778 ca tử vong; là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ ba ở châu Phi, chỉ sau Nam Phi và Ai Cập.
* Tại Nam Phi, số liệu chính thức của Bộ Y tế ngày 19/7 cho thấy trên 5.000 người đã tử vong do COVID-19. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Nam Phi đã ghi nhận thêm 85 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 5.033 ca. Số ca nhiễm đã tăng thêm 13.449, lên 364.328 ca.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhiz khẳng định chính phủ đang nỗ lực hết sức để khống chế dịch bệnh, đồng thời hối thúc người dân tuân thủ các quy định vệ sinh phòng dịch.
Dự báo đỉnh dịch của Nam Phi sẽ xuất hiện trong những tuần tới. Nhà chức trách Nam Phi đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào cuối tháng 3 vừa qua, song đang nới lỏng dần các hạn chế nhằm tránh để nền kinh tế sụp đổ. Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 tại châu lục.