Bộ Quốc phòng Serbia bác 'tin mật' chuyển giao vũ khí cho cả Nga và Ukraine

Belgrade bác bỏ thông tin từ báo cáo đóng dấu "mật" bị rò rỉ của Lầu Năm Góc về việc nước này viện trợ sát thương cho cả Nga và Ukraine.

Chú thích ảnh
Bệ phóng rocket đa nòng BM-21 Grad của Ukraine khai hỏa ngày 11/1/2023. Ảnh: AFP 

Theo đài RT, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia ngày 12/4 đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này viện trợ vũ khí sát thương cho cả Moskva và Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Milos Vucevic tuyên bố báo cáo cho rằng Serbia đang gửi vũ khí tới Ukraine là "dối trá". Tuyên bố được đưa ra sau khi hãng tin Reuters cùng ngày trích dẫn một tài liệu mật rò rỉ của Lầu Năm Góc có nội dung cho rằng Belgrade cam kết cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine hoặc đã làm như vậy.

Theo Reuters, tập tài liệu này nằm trong kho tài liệu của Mỹ, bao gồm cả các báo cáo tình báo, đã được tung lên mạng vào đầu năm nay và được giới truyền thông lật lại những ngày gần đây.

“Chúng tôi đã bác bỏ những lời nói dối này hơn chục lần và sẽ tiếp tục bác bỏ. Serbia đã không bán, cũng như sẽ không bán vũ khí cho Ukraine hay Nga, hoặc cho các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột này”, ông Vucevic nói.

“Luôn có khả năng một số vũ khí sẽ được tìm thấy một cách kỳ lạ trong khu vực xung đột. Nhưng nó không liên quan gì đến Serbia", vị Bộ trưởng nói thêm, “Đó là một câu hỏi đối với các quốc gia không tôn trọng các chuẩn mực quốc tế, nghĩa vụ hợp đồng và thông lệ kinh doanh."

"Rõ ràng là mục tiêu của ai đó là gây bất ổn cho đất nước của chúng tôi và kéo chúng tôi vào một cuộc xung đột mà chúng tôi không tham gia. Chúng tôi nhất quán tuân theo chính sách đã thiết lập [là không can dự]", ông Vucevic nhấn mạnh.

Là quốc gia có truyền thống duy trì quan hệ tốt đẹp với Moskva và phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, Serbia đã từ chối áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Nga. Belgrade cũng phá vỡ quan hệ với nhiều quốc gia phương Tây khi từ chối viện trợ quân sự cho Kiev.

Hồi tháng 3, các quan chức Serbia đã bác bỏ thông tin trên các phương tiện truyền thông cho rằng Belgrade đã cung cấp cho Ukraine tên lửa cho các bệ phóng tên lửa M-21 Grad do Liên Xô sản xuất thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và Slovakia.

“Chúng tôi nhấn mạnh một điều khoản là không thể xuất khẩu đạn dược mà chúng tôi đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ mà không có sự đồng ý của chúng tôi", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết vào thời điểm đó.

Chú thích ảnh
Các bệ phóng rocket của Ai Cập khai hỏa trong cuộc tập trận gần Cairo năm 2018. Ảnh: AFP 

Cũng liên quan đến các tài liệu rò rỉ của Mỹ, ngày 12/4, Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin cho rằng Nga bí mật mua hàng chục nghìn quả tên lửa của Ai Cập.

Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết báo cáo về kế hoạch nhận vũ khí từ Ai Cập là sai sự thật. “Đây có vẻ như lại là một câu chuyện sai sự thật khác, vì ngày nay có rất nhiều chuyện như vậy trên các phương tiện truyền thông”, ông Peskov nói với các phóng viên.

Trước đó, tờ Washington Post trích dẫn một tài liệu tình báo của Mỹ hôm 10/4 tuyên bố rằng Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ra lệnh sản xuất tới 40.000 quả tên lửa để chuyển đến Nga một cách kín đáo. Ông El-Sisi được trích dẫn nói với các quan chức rằng hoạt động này nên được giữ bí mật “để tránh các vấn đề với phương Tây". Ông cũng được cho là đã đề cập đến kế hoạch cung cấp đạn pháo và thuốc súng cho Moskva.

Theo tờ báo, tài liệu này nằm trong số các hồ sơ được cho là mật của Lầu Năm Góc đã bị tung lên mạng vào đầu năm nay và được truyền thông "đào" lại vào tuần trước.

Trong khi đó, kênh Al Qahera News dẫn lời một quan chức Ai Cập tuyên bố rằng thông tin của tờ Washington Post là “chuyện nhảm nhí không dựa trên sự thật”.

Ai Cập đã duy trì quan hệ chặt chẽ với Moskva kể từ thời Xô Viết và là một trong những khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga. Đồng thời, nước này có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, vì hai quốc gia có lịch sử hợp tác an ninh. Mỹ cũng đã hỗ trợ quân sự cho Ai Cập.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Tài liệu mật tiết lộ tình báo Mỹ vạch 4 kịch bản lớn và vấn đề đặc biệt lo ngại về xung đột Ukraine
Tài liệu mật tiết lộ tình báo Mỹ vạch 4 kịch bản lớn và vấn đề đặc biệt lo ngại về xung đột Ukraine

Trong số những tài liệu của Mỹ bị rò rỉ năm nay, có một thông tin tình báo mật nói về việc lập kế hoạch cho các tình huống bất ngờ vào thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine đã xảy ra tròn một năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN