Theo đài RT (Nga), ông Zelensky đã ký sắc lệnh cấm tham gia đàm phán với ông Putin vào mùa thu năm 2022, sau khi Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, cùng với khu vực Kherson và Zaporozhye, chính thức sáp nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga nhấn mạnh rằng sắc lệnh vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 22/1, ông Zelensky dường như đã thay đổi lập trường về vấn đề này. Theo đó, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông muốn Tổng thống Trump đảm bảo cam kết bảo vệ Ukraine trước khi tham gia đàm phán với Tổng thống Putin.
“Câu hỏi duy nhất là những đảm bảo an ninh đó là gì. Thành thật mà nói, tôi muốn biết trước khi đàm phán. Nếu ông Trump có thể đảm bảo an ninh mạnh mẽ và không thể đảo ngược cho Ukraine, chúng tôi sẽ đi theo con đường ngoại giao này”, ông Zelensky nói.
Hôm 21/1, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Putin bất cứ lúc nào để thảo luận về giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
“Chúng tôi đang thảo luận với ông Zelensky. Chúng tôi sẽ sớm nói chuyện với Tổng thống Putin và chúng tôi sẽ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào”, ông nói.
Về phía Liên bang Nga, trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 21/1, Tổng thống Putin hoan nghênh ý định của ông Trump về việc nối lại các cuộc tiếp xúc giữa Nga và Mỹ, vốn đã bị gián đoạn dưới thời Tổng thống Joe Biden. Song ông Putin nhấn mạnh rằng mọi cuộc đối thoại cần dựa trên nguyên tắc “bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
Ông Putin cũng ghi nhận những tuyên bố của ông Trump về việc khôi phục liên lạc và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc ngăn chặn nguy cơ Thế chiến thứ ba.
Tuy nhiên, trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yury Ushakov, cho biết Điện Kremlin vẫn chưa nhận được liên hệ từ phía Nhà Trắng về lịch trình cụ thể cho cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Ông Ushakov khẳng định Moskva luôn sẵn sàng thảo luận với chính quyền mới của Mỹ.
Trong diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Ryabkov ngày 22/1 cho biết hiện chưa thể nói điều gì về năng lực đàm phán của chính quyền mới tại Mỹ, tuy nhiên vẫn có “cơ hội nhỏ” để đạt được các thỏa thuận với chính quyền mới của Tổng thống Trump.
“Điều quan trọng là phải hiểu chúng ta sẽ đối phó với cái gì và với ai, cách thức tốt nhất để xây dựng quan hệ với Washington, cách tốt nhất để tối đa hóa các cơ hội và giảm thiểu rủi ro”, ông cho hay.