Theo đài RT, khóa huấn luyện tập trung đào tạo cách sử dụng xe bọc thép M2 Bradley mà Mỹ hứa giao hồi đầu tháng 1 và bắt đầu được chuyển đến Đức trong tuần này.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder, cho biết trong một tuyên bố: “635 binh sĩ Ukraine đã hoàn thành khóa học kéo dài khoảng 5 tuần”. Ông nói thêm rằng khóa huấn luyện gồm các nhiệm vụ cơ bản như huấn luyện kỹ năng bắn, kỹ năng y tế, huấn luyện tiểu đội, trung đội, đại đội và một cuộc tập trận lực lượng cấp tiểu đoàn.
Theo ông Ryder, nhóm thứ hai bắt đầu huấn luyện vào đầu tháng 2, còn 700 binh sĩ Ukraine khác đang được dạy cách vận hành pháo tự hành M109 Paladin. Khoảng 900 binh sĩ Ukraine nữa sẽ bắt đầu huấn luyện về pháo dã chiến và xe bọc thép M1126 Stryker vào tuần tới.
Lầu Năm Góc bắt đầu huấn luyện lực lượng Ukraine tại Grafenwoehr vào tháng 5/2022 và mở rộng chương trình vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, chương trình không chỉ giới hạn ở châu Âu. Một số binh sĩ Ukraine cũng đã bay đến Fort Sill ở Oklahoma (Mỹ) để tham gia huấn luyện về hệ thống tên lửa Patriot.
Trong khi đó, các xe chiến đấu bọc thép Bradley đầu tiên đã đến kho quân đội Mỹ gần Mannheim, Đức vào ngày 17/2. Một con tàu chở khoảng 60 xe Bradley đã rời Charleston (Nam Carolina) ba tuần trước, ngay sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ gửi số xe này cho Ukraine.
Xe M2 Bradley nặng 25 tấn do BAE Systems sản xuất, là xe chiến đấu bộ binh. Đây là một loại xe bọc thép chở quân nhưng nhờ có hệ thống pháo, xe này cũng có thể tham gia chiến đấu. Ngoài việc đưa quân đi khắp chiến trường, Bradley đi cùng và bảo vệ xe tăng cũng như bộ binh trên tiền tuyến.
Kíp lái xe M2 Bradley có 3 người. Phương tiện này được trang bị súng máy 25 mm, bệ phóng tên lửa chống tăng TOW. Lớp giáp của Bradley có thể chịu được hỏa lực súng máy hạng nặng của đối thủ.
M2 Bradley đã hoạt động trong 40 năm qua và không phải là dòng xe chiến đấu bộ binh tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, Bradley có uy lực ngang hoặc thậm chí hơn một số xe chiến đấu bộ binh trong kho vũ khí của Nga và Ukraine.
Sau M2 Bradley, Tổng thống Joe Biden cũng đã hứa cung cấp cho Ukraine các xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, mặc dù ít nhất phải tới năm 2023 Ukraine mới nhận được.
Nga đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng việc tiếp tục vận chuyển vũ khí tới Ukraine chỉ làm kéo dài cuộc xung đột và có nguy cơ đối đầu trực tiếp. Mỹ và NATO khẳng định họ không phải là một bên trong cuộc xung đột, mặc dù đã gửi vũ khí và đạn dược trị giá hơn 100 tỷ USD cho Ukraine trong 12 tháng qua.
Trong khi đó, ngày 17/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng không nên có vùng cấm trong cung cấp vũ khí cho nước này. Ông Zelensky đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở Kiev, ngay trước khi khai mạc Hội nghị An ninh Munich. Tổng thống Zelensky nói: “Chúng tôi và Hà Lan có suy nghĩ chung rằng không nên có bất kỳ vùng cấm nào về việc cung cấp và hỗ trợ vũ khí cho quân đội của chúng tôi, bởi điều đó hỗ trợ và bảo vệ chủ quyền của chúng tôi”.
Tổng thống Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí và đẩy nhanh quá trình chuyển giao để đối đầu với lực lượng Nga. Hiện Ukraine đặc biệt cần máy bay chiến đấu, thêm xe tăng và vũ khí tầm xa.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng khẳng định những vấn đề ưu tiên với Ukraine là kêu gọi các nước tăng tốc độ cung cấp vũ khí và đạn dược như đã cam kết, thông qua các quyết định chính trị trong tương lai liên quan đến đề nghị cung cấp máy bay chiến đấu.