Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 17/2, người Ukraine đến các nước EU sau cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2 năm ngoái có thể lấp đầy những khoảng trống đáng kể trong thị trường lao động cấp quốc gia, nhưng khả năng họ quay trở lại Ukraine hoặc sự cạnh tranh giữa các nước EU đang khiến các nhà tuyển dụng đau đầu.
Khoảng 4,8 triệu người Ukraine được hưởng lợi từ cơ chế bảo vệ tạm thời, cho phép họ tiếp cận thị trường lao động của các nước EU. Hơn nữa, 1,5 triệu công dân Ukraine đã được phép ở lại EU trước xung đột.
Nadia Kurtieva, chuyên gia cấp cao về lao động tại tập đoàn kinh doanh Lewiatan của Liên đoàn Ba Lan cho biết: “Dòng người sơ tán từ Ukraine sau ngày 24/2/2022 chắc chắn là cơ hội để lấp đầy khoảng trống nhân sự cho các công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên có năng lực phù hợp".
Hầu hết những người sơ tán được tuyển dụng trong các lĩnh vực sản xuất, ăn uống, dịch vụ, công nghệ thông tin và truyền thông.
Lao động Ukraine - cả những người mới đến và những người đến trước xung đột - đều được các công ty Ba Lan đánh giá cao. “Tuy nhiên, vấn đề có thể là Ba Lan cũng phải cạnh tranh để có được lao động Ukraine với các nước EU khác, chẳng hạn như Đức”, Szymon Witkowski, chuyên gia tại cơ quan Luật và Pháp chế của Liên minh Doanh nhân và Người sử dụng lao động Ba Lan (ZPP), nói.
Slovakia cũng có mối quan tâm tương tự. Theo Katarína Tešla, Giám đốc truyền thông của cổng thông tin việc làm Kariéra.sk, người Ukraine đã giúp thị trường lao động Slovakia, đảm nhận những công việc mà người Slovakia không quan tâm. Điều này đặc biệt được thể hiện rõ khi các doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên sau đại dịch.
Người Ukraine cũng tìm được việc làm trong lĩnh vực hậu cần, xây dựng hoặc sản xuất. Tuy nhiên, những nhân viên có trình độ cao hơn có xu hướng không ở lại Slovakia và chỉ đi qua nước này trong khi tìm kiếm công việc ở các nước phía tây EU, nơi họ có thể nhận được mức lương và mức sống cao hơn.
Theo Zuzana Rumiz tại ManpowerGroup Slovakia, người Ukraine chủ yếu rời đến Đức, nơi cũng thiếu nhân công trong lĩnh vực sản xuất hoặc xây dựng. Đức chắc chắn không phải là quốc gia Tây Âu duy nhất có thể thu hút lao động Ukraine đang làm việc ở sườn phía Đông châu Âu.
“Các doanh nhân Pháp muốn chào đón bất kỳ ai sẵn sàng làm việc chăm chỉ – bất kể họ đến từ đâu", François Asselin, người đứng đầu công đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn nhất của Pháp, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Bên cạnh những lo ngại về việc các thành viên EU phía Tây có thể thu hút lực lượng lao động Ukraine khỏi Ba Lan, CH Séc hoặc Slovakia, các nhà tuyển dụng cũng lo lắng về việc người Ukraine sẽ trở về quê hương.
Dagmar Kužvartová, người đứng đầu bộ phận Tuyển dụng lao động của Liên đoàn Công nghiệp Séc cho biết: “Nếu có một lượng lớn người lao động từ Ukraine trở về quê hương, điều đó chắc chắn sẽ không giúp ích gì cho tình hình thị trường lao động, vì một số người trong số họ đã thích nghi tốt và tìm được những công việc lâu dài hơn”.
Về phần mình, Tomáš Zelený tại Phòng Thương mại Séc cảnh báo: “Trong quá trình tái thiết Ukraine, cần phải tính đến rủi ro Ukraine sẽ giảm hoặc trong trường hợp xấu nhất là chấm dứt hoàn toàn di cư kinh tế để thu hút lao động trở lại. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể muốn sử dụng những người lao động đã hòa nhập với nước sở tại trong một thời gian dài để tái thiết Ukraine".