Việc Đứa cam kết cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2 đã đánh dấu một mức độ mới trong sự leo thang dần dần các loại vũ khí mà các đồng minh đang cung cấp cho Ukraine. Thủ tướng Olaf Scholz gần đây cũng đã ủy quyền cho các nước khác cung cấp các phương tiện chiến đấu bộ binh do Đức sản xuất để hỗ trợ lực lượng của Kiev. Cách tiếp cận này đang phát triển phù hợp với một cuộc xung đột biến động và không thể đoán trước.
Một bộ sưu tập các phương tiện thiết giáp của phương Tây dự kiến sẽ ra tiền tuyến vào mùa xuân này, và việc huấn luyện đã được tiến hành ở các nước tài trợ. Các phương tiện mang theo hy vọng mang lại chiến thắng trên chiến trường cho các lực lượng Ukraine, điều này sẽ dẫn đến một số kịch bản kết thúc chiến tranh, nếu như vũ khí đến kịp thời.
Trang Defense News đã trao đổi với các nhà phân tích an ninh quốc gia, các nhà lập pháp và các quan chức đã nghỉ hưu, hỏi từng người xem cuộc xung đột có thể kết thúc như thế nào.
Câu trả lời của họ thật tẻ nhạt: Cuộc chiến sẽ rất tốn kém, cướp đi sinh mạng và có khả năng kéo dài ít nhất vài năm, hoặc thậm chí có thể trở thành vô hạn. Nó sẽ trút gánh nặng lên công nghiệp quốc phòng của Mỹ và châu Âu, đặc biệt là khi nói đến đạn dược, và có thể gây ra sự hủy hoại kinh tế ở Nga. Bên cạnh tất cả những điều này thì còn có nguy cơ leo thang hạt nhân.
Các nhà phân tích cũng nói rằng chiến thắng sẽ phụ thuộc vào một Quốc hội Mỹ với quyết tâm đảm bảo tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Nhưng ngay cả khi đó, khái niệm chiến thắng cũng có thể không chính xác.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói với các phóng viên trong chuyến thăm Đức hồi tháng 1: “Trong năm nay, sẽ rất, rất khó để đẩy quân đội Nga ra khỏi tất cả - từng tấc đất của Ukraine hoặc những vùng đất Ukraine do Nga kiểm soát. Điều đó không có nghĩa là nó không thể xảy ra, không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra, nhưng nó sẽ rất, rất khó.”
Tướng Milley khẳng định rằng cuộc chiến có thể sẽ kết thúc trên bàn đàm phán, vào một thời điểm nào đó. Các quan chức và chuyên gia thì dự đoán một mùa xuân đẫm máu, khi Nga gửi lính mới huy động ra tiền tuyến và Ukraine vừa cố gắng đẩy lùi một cuộc tấn công vừa tiến hành cuộc phản công của riêng mình.
Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai, dòng viện trợ quân sự vẫn đang tuôn chảy. Nhưng năng lực công nghiệp còn hạn chế và các quốc gia đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng số lượng thiết bị mà họ có thể dự phòng trong khi vẫn duy trì các yêu cầu tự vệ của mình và của NATO.
Đồng thời, mùa bầu cử ở Mỹ - người ủng hộ quan trọng nhất của Ukraine - có thể thúc đẩy các lập luận rằng một cuộc chiến tranh không biết hồi kết ở châu Âu là một mối phiền toái tốn kém cho Mỹ.
Vậy xung đột còn kéo dài bao lâu?
Khi được hỏi về thời gian kéo dài có thể của cuộc xung đột tại Ukraine, các nhà phân tích ở Mỹ và châu Âu đã đưa ra những dự đoán tương tự, với các mốc thời gian kéo dài từ hàng tháng, hàng năm cho đến “không xác định”.
Yohann Michel, một nhà phân tích ở Berlin thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), dự đoán “những tháng dài” phía trước, trong khi Michael Kofman, một giám đốc trong Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân ở Washington, dự đoán chiến sự còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.
Ông Kofman nói: “Các cuộc chiến thường có xu hướng diễn ra lâu hơn mọi người mong đợi hoặc hy vọng, nhưng đặc biệt là các cuộc xung đột giữa các quốc gia trong thời gian này. Lịch sử cho chúng ta biết rằng các cuộc chiến kéo dài như thế này… có khả năng trở nên kéo dài nữa, kéo dài vài năm.”
Có lẽ nhà phân tích người Italy, Lucio Caracciolo là người bi quan nhất. Ông nói: “Cuộc chiến này sẽ kéo dài vô tận, với những khoảng dừng dài để ngừng bắn".
“Nó sẽ chỉ dừng lại khi Ukraine hoặc Nga hoặc cả hai sụp đổ, vì đối với cả hai bên, đây là vấn đề sống còn”, Caracciolo, biên tập viên của ấn phẩm địa chính trị Limes, nhận xét thêm.
Peter Roberts, một cộng tác viên cấp cao tại Viện Royal United Services ở London, cho biết có nhiều cách khác nhau để xác định sự kết thúc của một cuộc chiến: “sự kết thúc của giai đoạn động lực” hay “sự kết thúc của một cuộc xung đột đóng băng kiểu Gruzia hoặc một trạng thái giống như bán đảo Triều Tiên kéo dài nhiều năm.
Ông Roberts nói: “Tôi rất muốn nghĩ rằng giai đoạn động lực có thể kết thúc vào năm 2023, nhưng tôi cho rằng chúng ta có thể xem xét thêm 3 năm nữa với quy mô giao tranh như vậy".
Nhà phân tích Michel nói thêm rằng có những yếu tố vẫn chưa được biết đến sẽ quyết định sự kết thúc của cuộc xung đột. “Ai sẽ là phía đầu tiên thực hiện cuộc tấn công tiếp theo? Thời tiết sẽ đóng vai trò gì?”, ông nêu câu hỏi. “Có vấn đề về đạn dược – bên đầu tiên thiếu hụt sẽ gặp rắc rối. Trong khi bên châu Âu không có chương trình thực sự nào để tăng sản lượng, thì liệu các kho dự trữ của Nga có được bổ sung không từ nước khác không?”
Theo Benjamin Jensen, một chuyên gia về chiến tranh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chiến sự kéo dài và mệt mỏi tiềm ẩn những rủi ro riêng. Đó là bởi vì xung đột càng kéo dài, chúng càng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn và do đó, các bên sẵn sàng "đánh bạc" hơn.
Jensen nói: “Ngay cả các quốc gia giàu có, công nghệ tiên tiến ở Trung Đông cuối cùng cũng đạt đến điểm mà họ ném tên lửa vào các trung tâm dân cư, sử dụng vũ khí hóa học một cách công khai và chiến đấu thành từng đợt – chỉ những người lao qua cánh đồng mới bị bắn".
Theo ông, một trong hai bên có thể hành động táo bạo nếu họ gặp khó khăn và cần một chiến lược rút lui. Jensen ám chỉ rằng Ukraine có thể thử thực hiện một chiến dịch đặc biệt ngoạn mục để ám sát một quan chức Điện Kremlin, hoặc Nga có thể quyết định sử dụng - hoặc đơn giản là thử nghiệm - vũ khí hạt nhân.
Theo quan điểm của chuyên gia Jensen, ngay cả sự sụp đổ với lực lượng thông thường của Nga hay một chiến thắng truyền thống của Ukraine cũng không có nghĩa là xung đột đã kết thúc.
Dự báo về cuộc tấn công vào mùa xuân này
Vào ngày 24/2/2022, các lực lượng Nga đã tấn công Ukraine mà không có mặt đất đóng băng để hỗ trợ các phương tiện bọc thép của họ, điều đó có nghĩa là họ phải bám sát các con đường nhựa, nơi các phương tiện dễ dàng trở thành mục tiêu.
Daniel Rice, cựu đại úy Lục quân Mỹ, người năm ngoái đã trở thành cố vấn đặc biệt cho Tướng Valerii Zaluzhnyi, Tư lệnh quân đội Ukraine, cho biết: "Nhưng mùa đông này, họ dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tấn công trên khắp các vùng đồng bằng trống trải, vốn sẽ khó bị đánh bại hơn".
Ông Rice, hiện là chủ tịch của nhóm tư vấn Thayer Leadership ở West Point, New York, cho biết: “Điều đáng lo ngại là một hành động tấn công quy mô lớn của Nga có thể đột phá và có rất nhiều lo ngại rằng họ có thể chiếm được Kiev.”
Thách thức với phương Tây hiện nay là đào tạo và trang bị một lực lượng thiết giáp đủ lớn và đủ tinh vi để đối phó với lực lượng chiến đấu của Nga.
Các binh sĩ Ukraine sẽ phải học cách vận hành và duy trì đợt viện trợ quân sự mới nhất, bao gồm xe chiến đấu bộ binh Marder và Bradley của Đức và Mỹ, cũng như xe tăng Challenger 2, Leopard 2 và Abrams của Anh, Đức và Mỹ. Ngoài ra, Pháp còn cam kết vận chuyển xe tăng bánh lốp, hạng nhẹ AMX-10 RC.
“Có rất nhiều việc phải làm trong một khoảng thời gian ngắn", ông Rice nói. “Chỉ vì họ có đúng phương tiện không có nghĩa là sẽ có thể thực hiện một hành động tấn công lớn trong tương lai. Nhưng người Ukraine lần nào cũng khiến cả thế giới ngạc nhiên.”
Thiếu tướng đã nghỉ hưu Patrick Donahoe, cựu chỉ huy Trường tác chiến cơ động của Quân đội Mỹ tại Fort Benning, bang Georgia, cho biết các nâng cấp của phương Tây mang lại cho Ukraine cơ hội chiếm ưu thế trong cuộc cận chiến với các đối thủ Nga và kết thúc cuộc giao tranh chiến thuật có lợi cho mình.
Các lực lượng Nga đã cố gắng làm chậm xe tăng ở Ukraine bằng mìn, chiến hào và "răng rồng" bằng bê tông hình kim tự tháp, một loại công sự chưa từng thấy trong chiến đấu kể từ Thế chiến II. Tướng Donahoe dự đoán, các lực lượng Ukraine, một khi đã được trang bị và huấn luyện cho chiến thuật chiến tranh vũ trang kết hợp với xe tăng, sẽ được “thiết kế để chọc thủng một mạng lưới phòng thủ”.
Tuy nhiên, những dải địa hình rộng lớn mà Ukraine muốn giải phóng đòi hỏi phải mất thời gian và thậm chí chỉ xây dựng lực lượng cần thiết cũng sẽ mất 6 tháng - ông Donahoe ước tính.
Việc Kiev vẫn muốn có máy bay chiến đấu và tên lửa chiến thuật tầm xa được nhấn mạnh dựa trên giả định rằng họ cần những vũ khí đó để buộc Moskva phải chấm dứt xung đột và bắt đầu đàm phán vì chi phí quân sự quá cao. Nhưng song song với đó, lại có dự đoán rằng chính phủ của Tổng thống Putin có thể sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu, vì thất bại thể khiến quyền lực chính trị của ông chấm dứt.
Điểm yếu của Nga
Stefan Meister, một chuyên gia về Nga và Đông Âu tại Hội đồng Đức có trụ sở tại Berlin, cho biết trong năm qua, chiến lược tuyên truyền trong nước của Putin đã chuyển từ thông điệp “chống lại chủ nghĩa phát xít” ở Ukraine sang “chống lại phương Tây”.
Meister nói: “Những người phản đối chiến tranh đã rời đi, và những người ở lại đang thích nghi".
Những nỗ lực trước đây nhằm bóp nghẹt ý chí của Moskva về mặt kinh tế cũng không mang lại kết quả ngay lập tức như các chuyên gia hy vọng. Tuy nhiên, các vết nứt có thể bắt đầu xuất hiện trong năm nay.
Charles Lichfield, nhà phân tích kinh tế và lệnh trừng phạt tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington, cho biết: “Người dân Nga sẽ bắt đầu cảm thấy điều đó trong năm nay. Nhưng người Nga có mức độ chịu đựng rất lớn đối với nỗi đau kinh tế". Ông giải thích rằng Moskva đã tỏ ra tháo vát khi xây dựng quyền tự chủ ở những loại hàng hóa quan trọng.
Sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, ông Lichfield kỳ vọng điểm áp lực kinh tế mới nhất của phương Tây - giới hạn giá dầu - sẽ mang lại kết quả vì nền kinh tế Nga có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường năng lượng.