Những người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu yêu cầu quân đội chuyển giao quyền lực cho lực lượng dân sự. Các nhân chứng khẳng định lực lượng an ninh đã dùng hơi cay để giải tán người biểu tình ở khắp các quận của thủ đô Khartoum như Bari, Mamoura, Arkaweit và Gadaref.
Trước đó, Phong trào phản kháng, mang tên Liên minh Tự do và Thay đổi, đã kêu gọi một triệu người dân tham gia cuộc tuần hành ở thủ đô Khartoum trong ngày 30/6 để phản đối việc các tướng lĩnh quân đội nắm quyền lãnh đạo đất nước sau khi lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir ngày 11/4.
Đây là lời kêu gọi biểu tình trên cả nước đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở quân đội ở Khartoum ngày 3/6 vừa qua, dẫn tới vụ trấn áp khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Phó Chủ tịch TMC, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo cảnh báo sẽ không dung thứ đối với bất cứ hành vi phá hoại nào trong cuộc biểu tình quy mô lớn đã được lên kế hoạch, song vẫn khẳng định rằng giới tướng lĩnh sẽ trao quyền lực cho một chính quyền dân sự. TMC cũng nhấn mạnh, phong trào biểu tình sẽ phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với bất cứ hành vi bạo lực nào diễn ra trong ngày 30/6.
Căng thẳng giữa phong trào phản kháng và quân đội vẫn chưa có dấu hiệu xoa dịu sau cuộc trấn áp của lực lượng chức năng nhằm vào người biểu tình ngày 3/6. TMC đã nắm giữ quyền lãnh đạo nước này kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất sau 30 năm cầm quyền. Trong nhiều tuần qua, những người biểu tình yêu cầu hội đồng này chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.
Ethiopia và Liên minh châu Phi (AU) đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hội đồng quân sự và phong trào ủng hộ dân chủ đòi thành lập chính quyền dân sự ở Sudan. Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ khi các lực lượng an ninh Sudan giải tán một khu trại của người biểu tình ở thủ đô Khartoum. Theo những người tổ chức biểu tình, các cuộc trấn áp đã khiến ít nhất 130 người thiệt mạng tại nhiều khu vực của nước này.