Người biểu tình chống Hiệp định TTIP ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP |
Tại thủ đô Berlin và thành phố Munich, bất chấp trời mưa, đám đông những người biểu tình mang theo cờ, áp phích và biểu ngữ đại diện cho các đảng phái chính trị, nghiệp đoàn đến các tổ chức chống toàn cầu hóa, đã tham gia cuộc biểu tình. Các nhà tổ chức cho biết ước tính sẽ có khoảng 250.000 người tham gia các cuộc biểu tình tại 7 thành phố của Đức.
Chính phủ Đức muốn thúc đẩy Hiệp định TTIP và cho rằng nó sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, những người biểu tình quan ngại rằng hiệp định này sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và làm xói mòn quy định của nước sở tại bằng cách trao quyền cho các tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết đối với những tranh chấp thương mại.
EU và Mỹ khởi động đàm phán Hiệp định TTIP hồi năm 2013 với kỳ vọng tạo ra thị trường tự do thương mại lớn nhất thế giới với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch thương mai toàn cầu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về TTIP sau đó bị trì hoãn do phía châu Âu phản đối các điều khoản liên quan việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong đó cho phép các công ty tư nhân có thể khởi kiện chống lại các hành động của chính phủ làm hại đến các khoản đầu tư.
Đến tháng 7/2015, EU đã chấp thuận việc thành lập một tòa án châu Âu mới để xem xét mọi tranh cãi nảy sinh xung quanh tất cả các hiệp định thương mại, và mở đường nối lại đàm phán Hiệp định TTIP giữa EU và Mỹ sau một thời gian dài trì hoãn.
Hiện cả EU và Mỹ đều đang nỗ lực đẩy nhanh việc đàm phán với hy vọng có thể hoàn tất Hiệp định TTIP trong năm nay, trước thời điểm Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2017. Vòng đàm phán mới dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới, nhưng hiệp định này hiện vẫn gây nhiều tranh cãi và gặp phải sự phản đối gay gắt của người dân tại nhiều nước châu Âu. Chính phủ Pháp gần đây đã bày tỏ mong muốn ngừng đàm phán về Hiệp định TTIP.