Anh sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc có rời khỏi EU hay không vào tháng 6 tới, điều làm dấy lên câu hỏi lớn về các cuộc đàm phán TTIP. Nguy cơ này đang đặt ra sức ép ngày một lớn đối với các nhà đàm phán TTIP, những người vừa bắt đầu khai mạc vòng đàm phán thứ ba ở New York hôm 25/4. Là một trong các nền kinh tế lớn nhất EU, Anh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong TTIP - hiệp định sẽ giúp tạo ra khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. TTIP có mục tiêu giảm bớt các hàng rào phi thương mại và hài hòa các quy định quan liêu vốn gây cản trở thương mại và đầu tư giữa EU và Mỹ. Phát biểu tại Đức hôm 24/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi hai bên đẩy nhanh ký kết thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm 2016, trong bối cảnh nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông đang khép lại.
Tuy nhiên, Anh đang tập trung chú ý vào mối bất hòa với EU (gồm 28 thành viên), trong bối cảnh nước này chìm trong cuộc tranh cãi chính trị nội bộ về việc có rời khỏi EU hay không. Cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 tới không thay đổi mục tiêu cuộc đàm phán, vốn đã diễn ra trong 3 năm qua. Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, việc Anh rời khỏi EU sẽ có tác động thảm khốc đối với triển vọng của TTIP.
Thủ tướng Anh D. Cameron và Tổng thống Mỹ B. Obama trước cuộc gặp tại London hôm 22/4. |
Gary Hufbauer - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và hiện làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington - nói: “Nếu người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU, điều này sẽ khiến các cuộc đàm phán TTIP trở nên lung lay. Sẽ không còn con đường nào hướng tới phía trước bởi còn quá nhiều bất ổn”. Edward Alden - chuyên gia thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - cho rằng nguy cơ Brexit sẽ khiến toàn bộ dự án TTIP “trở nên vô nghĩa” trong bối cảnh EU và Anh đang vật lộn điều chỉnh. Ông nói: “Việc hoàn tất TTIP sẽ thất bại. Mọi người sẽ rất khó khăn trong việc cố gắng lý giải mối quan hệ mới giữa Anh và châu Âu”.
Điều nghịch lý ở đây đó là nguy cơ Brexit thúc đẩy các nhà đàm phán “tăng tốc” hơn. Cựu quan chức ngoại giao Mỹ Daniel Hamilton - Giám đốc Trung tâm Quan hệ Xuyên Đại Tây Dương tại Đại học Johns Hopkins - cho rằng thông điệp mạnh mẽ của cuộc đàm phán đó là TTIP vẫn đang tiến lên phía trước có thể nhắc nhở Anh rằng họ sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu họ rời EU. Ông cho rằng các nhà đàm phán của hai bên “sẽ mong muốn đẩy nhanh tiến trình để cố gắng gây ảnh hưởng tới các cuộc tranh luận ở Anh”. Ông Hufbauer cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói: “TTIP có thể được sử dụng làm lập luận giúp phe ‘ủng hộ Anh ở lại EU’ áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý”.
Ông Obama - người đang thúc đẩy mạnh mẽ TTIP - đã nhấn mạnh luận điểm đó trong các bài phát biểu ở Anh và Đức tuần qua. Ngày 22/4, tại London, ông cảnh báo rằng nếu Anh rời EU, họ sẽ bị tụt hậu trong bối cảnh quan hệ thương mại EU - Mỹ “nở rộ” sau hiệp định này. Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, ông Obama nói rằng mặc dù “có thể ở một thời điểm nào đó”, Anh sẽ ký kết thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, song “điều này sẽ không sớm xảy ra” và “Anh sẽ xếp ở cuối hàng”.