“Brexit” có gây thiệt hại cho kinh tế Anh. Ảnh: Reuters |
Báo cáo đánh giá tác động của “Brexit” đối với nền kinh tế Anh quốc đã phân tích các mô hình quan hệ thương mại với EU mà một nước Anh sau khi rời liên minh này có thể đi theo. Công bố báo cáo tại một sự kiện tổ chức ở thành phố Bristol, cùng với sự tham gia của ba quan chức nội các khác gồm Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Stephen Crabb, Bộ trưởng Năng lượng Amber Rudd và Bộ trưởng Môi trường Elizabeth Truss, ông Osborne cảnh báo rằng “Brexit” đồng nghĩa với những rào cản ngăn nước Anh đến với một thị trường 500 triệu người tiêu dùng là EU. Chính phủ nước Anh sẽ mất khoảng 36 tỷ bảng tiền thuế ròng nếu nước này rời khỏi EU và phải thương lượng lại hiệp định thương mại tự do với liên minh này.
Báo cáo nói trên cũng đánh giá ba mô hình khác nhau trong quan hệ với EU mà nước Anh có thể đi theo khi không còn là thành viên EU, gồm mô hình kiểu Na Uy, mô hình kiểu Canada và mô hình kiểu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trình bày phần phân tích của báo cáo theo mô hình Na Uy, Bộ trưởng Môi trường Elizabeth Truss nói rằng các nước như Na Uy trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) vẫn phải tuân theo các quy định của EU và chấp nhận di chuyển tự do về người. Bà Truss cho rằng mô hình Na Uy sẽ làm giảm lưu lượng trao đổi thương mại, dẫn tới giảm sản lượng và tiêu chuẩn sống, đồng nghĩa với đồng lương của người lao động sẽ ít đi và người dân nghèo hơn. Sau 15 năm đi theo mô hình này, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước Anh có thể giảm 3,8% và nguồn thu thuế bị giảm khoảng 20 tỷ bảng mỗi năm.
Về mô hình thứ hai dựa vào các quy định của WTO để giảm bớt rào cản thương mại với EU, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Stephen Crabb nói rằng theo các quy định của WTO, nước Anh khi trao đổi thương mại với EU có thể đối mặt với các mức thuế 36% với các sản phẩm sữa, 12% với các sản phẩm cá, 12% với mặt hàng quần áo và 10% với mặt hàng ô tô. Theo ông Crabb, lựa chọn theo mô hình này sẽ gây tác động tồi tệ nhất với nướcAnh và khiến GDP của nước này giảm 7,5% sau 15 năm. Nguồn thu thuế sẽ hao hụt khoảng 45 tỷ bảng/năm.
Theo lời Bộ trưởng Năng lượng Amber Rudd, mô hình quan hệ thương mại hiện tại giữa Canada và EU có thể phù hợp cho hai bên nhưng không chắc chắn phù hợp với nước Anh. Khối lượng dịch vụ của Canada bán cho EU chỉ bằng một phần mười so với của nước Anh và nếu đi theo mô hình kiểu Canada, khoảng 50% số nhà cung cấp dịch của nước Anh sẽ mất sự tiếp cận thị trường EU. Bà Rudd nói rằng GDP của nước Anh theo đó sẽ giảm 6,2% sau 15 năm nếu như nước Anh đi theo mô hình kiểu Canada.
Từ việc đánh giá, phân tích các mô hình này, Bộ trưởng Tài chính nước Anh kết luận rằng việc "xứ sở sương mù" rời khỏi EU sẽ khiến nước này nhận được đầu tư ít hơn, thương mại giảm sút và sự mở cửa với châu Âu bị thu hẹp. Ông Osborne khẳng định EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của nước Anh và cảnh báo các gia đình Anh sẽ phải trả một "cái giá đắt đỏ" và sẽ "nghèo hơn" nếu nước Anh rời EU.
Đồng quan điểm với London, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau ngày 18/4 cho hay Anh quốc nên ở lại với EU. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh rằng bất luận kết quả cuộc trưng cầu dân ý là ra sao thì EU vẫn cần đẩy mạnh đầu tư và hợp tác hơn nữa trong các chính sách về cầu cũng như tăng cường các biện pháp tái cơ cấu.
Phản ứng về báo cáo nói trên, Thứ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom phê phán Bộ Tài chính đã đưa ra những phân tích "không công bằng và thiên vị" về tác động của việc nước Anh rời EU. Đề cập việc báo cáo không có đánh giá về tác động của việc nước Anh ở lại EU, bà Leadsom nói rằng Chính phủ cần cung cấp thông tin một cách khách quan nếu muốn cử tri Anh có một lá phiếu tự do thực sự.