Brexit và chuyện cải cách EU

Cuối cùng Thủ tướng Anh David Cameron đã có được thỏa thuận mà ông mong muốn với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhằm tránh kịch bản Anh rời EU (Brexit). Tranh cãi quanh chuyện đi hay ở lại EU giờ không còn là chuyện của riêng nước Anh vì nó sẽ quyết định tương lai của cả khối. Những gì mà ông Cameron đòi hỏi trong quy chế đặc biệt dành cho Anh cho thấy EU cần cải cách sâu rộng nếu không sẽ đối mặt nguy cơ tan rã.

Từ giờ cho đến ngày 23/6 tới, Thủ tướng Cameron chỉ còn 4 tháng để thực hiện chiến dịch vận động cử tri bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân quan trọng. Cuộc đàm phán giữa ông Cameron và các lãnh đạo EU đã kéo dài thâu đêm, cho thấy những khó khăn mà ông Cameron đã nỗ lực vượt qua để giành cho nước Anh một “quy chế đặc biệt”.

Từng dọa đoạn tuyệt với EU từ vài năm nay nhưng chỉ khi Anh rục rịch cho cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit vào tháng 6 tới, thì khả năng rời khỏi khối mới đang trở thành một điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ông Cameron muốn Anh ở lại EU nhưng phải là một EU đã thay đổi, đã cải cách. Quy chế đặc biệt mà ông giành được cho Anh có những cải cách gì khiến ông phải đấu tranh khó khăn đến vậy?

Các thành viên nội các Anh ủng hộ Brexit.

Về vấn đề nhập cư và phúc lợi, Thủ tướng Cameron muốn người nhập cư EU nếu muốn được giảm thuế và con cái được hưởng phúc lợi phải sinh sống và đóng góp cho Anh tối thiểu 4 năm. Điều ông đạt được là một cơ chế “hãm phanh khẩn”, trong đó hoãn trả phúc lợi cho người nhập cư EU trong 7 năm. Dù ngắn hơn so với yêu cầu ban đầu là 13 năm nhưng đó cũng là một thắng lợi với ông Cameron.

Về đồng euro, Anh muốn có một cơ chế đảm bảo không bị phân biệt đối xử vì không tham gia khu vực sử dụng đồng euro, không phải trả tiền cho các khoản cứu trợ những nước dùng đồng euro và được tham vấn khi có thay đổi trong khu vực sử dụng đồng euro. Sau cuộc đàm phán, ông Cameron đã giành được điều này cho nước Anh.

Về phúc lợi cho trẻ em, nếu con cái của một người EU nhập cư vào Anh đang sống ở nước ngoài thì đứa trẻ này sẽ không được hưởng phúc lợi cho dù bố mẹ chúng có làm việc ở Anh bao lâu và đóng bao nhiêu thuế cho nước Anh. Đòi hỏi này sau đó bị giảm xuống là con cái họ nhận phúc lợi theo mức sống ở nước mà các em đang sống chứ không phải theo mức sống ở Anh. Sau cuộc đàm phán, các lãnh đạo EU quyết định rằng điều kiện này chỉ áp dụng với người nhập cư mới vào Anh.

Về hội nhập chính trị, Anh muốn chấm dứt hội nhập chính trị với EU theo điều kiện của hiệp ước EU. Sau đàm phán, các lãnh đạo EU đã nhất trí sẽ bổ sung thêm một điều mới trong hiệp ước EU nói rõ rằng hội nhập chính trị không áp dụng với Anh.

Nhìn chung, các đòi hỏi của ông Cameron cho nước Anh xem ra rất hợp lý, đơn giản. Không có gì là đòi hỏi quá cao xa khi nước Anh muốn bảo vệ lợi ích của mình và những nước không sử dụng đồng euro trong EU. Cũng không có gì vô lý khi người đóng thuế Anh không cần phải quá hào phóng với những đứa trẻ sống ở nước ngoài chỉ vì bố mẹ chúng là người nhập cư ở Anh. Đây là yêu cầu hợp lý khi mà châu Âu đang xảy ra khủng hoảng di cư như hiện nay và mỗi ngày Anh phải bỏ ra tới 55 triệu bảng cho những khoản tương tự mà có người gọi là lệ phí thành viên EU hàng ngày.

Theo nhận định của tờ Telegraph, EU “bí hiểm và xơ cứng”, minh chứng cho điều đó đã được thể hiện trong những cuộc đàm phán cam go giữa Thủ tướng Anh và lãnh đạo EU. Tranh cãi, đôi co cho thấy EU không có khả năng thay đổi để thích nghi với thời thế xoay chuyển nhanh chóng, để đáp ứng đòi hỏi của các cuộc khủng hoảng chính trị.

Thành lập từ năm 1993 mà hầu như không có mấy thay đổi trừ số lượng thành viên, EU đang cần cải cách sâu rộng. Theo nhận định của bà Caroline Lucas, một nghị sĩ Anh và từng là thành viên Nghị viện châu Âu, tại EU, quá nhiều quyền lực tập trung vào tay của giới cầm quyền chứ không phải người dân - những người thường xuyên cảm thấy mình không có quyền quyết định vấn đề gì.

Còn theo ông Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ, nếu không cải cách, EU sẽ có nguy cơ tan rã. Về vấn đề Brexit, ông nhận định châu Âu cần cải cách và thách thức hiện tại của châu Âu là dọn dẹp mớ hỗn độn vừa tạo ra. Ông nói: “Chúng ta cần ngăn sự tan rã trong tương lai và đảm bảo EU có công cụ có thể đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng như hiện nay”.
Dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân sắp tới ở Anh có kết quả như thế nào đi chăng nữa thì đó cũng là một tiếng chuông thức tỉnh giới lãnh đạo EU, rằng đã đến lúc thay đổi, chuyển mình, cải cách để ngăn chặn nguy cơ các thành viên muốn ra đi vì không mặc vừa chiếc “áo chung” EU.
Thùy Dương
Biển người biểu tình chống vũ khí hạt nhân tại Anh
Biển người biểu tình chống vũ khí hạt nhân tại Anh

Tham gia cuộc biểu tình phản đối vũ khí hạt nhân được cho là lớn nhất trong nhiều chục năm trở lại đây ở Anh còn có lãnh đạo nhiều chính đảng nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN