Bên ngoài trụ sở Knesset, đoàn người biểu tình vẫy cờ Israel và các tấm biển có nội dung "Cứu nền dân chủ Israel", “Cứu quốc gia khởi nghiệp của chúng tôi”, "Cả thế giới đang theo dõi". Ước tính chỉ riêng Jerusalem đã có khoảng 80.000 người tham gia biểu tình. Cùng ngày, các nhà tổ chức cũng kêu gọi người lao động trên cả nước đình công để phản đối kế hoạch cải cách của chính phủ.
Trong khi đó, bên trong trụ sở Knesset, dự luật đầu tiên bao gồm một số nội dung cơ bản của kế hoạch cải cách tư pháp đã được Ủy ban Hiến pháp, Luật pháp và Tư pháp thông qua. Tuy nhiên, trong quá trình tranh luận, tình trạng hỗn loạn đã diễn ra sau khi một số nghị sĩ la hét, thậm chí nhảy lên bàn họp.
Phát biểu trong một đoạn video ngắn sau đó, Thủ tướng Netanyahu đã cáo buộc lãnh đạo phe đối lập “cố tình đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn”. Kêu gọi các nhà lãnh đạo cần thể hiện trách nhiệm, ông Netanyahu khẳng định: “Hầu hết các công dân Israel không muốn có sự hỗn loạn. Họ muốn một cuộc tranh luận tập trung, và cuối cùng họ muốn sự thống nhất”.
Trước sức ép xã hội và các nghị sĩ đối lập, phe liên minh cánh hữu đã có sự nhân nhượng ban đầu khi lùi phiên bỏ phiếu toàn thể Knesset sang ngày 15/2 hoặc 20/2, sau khi dự luật đã qua được vòng đầu tiên. Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Simcha Rothman cho biết đã bắt đầu liên hệ với một số lãnh đạo của phe đối lập để thảo luận các nội dung của kế hoạch cải cách tư pháp.
Trước đó, tối 12/2, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã trình bày một bài diễn văn đặc biệt trước người dân, trong đó ông cảnh báo đất nước “đang ở bên bờ vực sụp đổ về Hiến pháp và xã hội”. Tổng thống Herzog hối thúc chính quyền cánh hữu theo đường lối cứng rắn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tạm dừng quy trình lập pháp và tiến hành thương lượng với phe đối lập với hy vọng đạt được thỏa hiệp.