Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Rio de Janeiro, người biểu tình quá khích đã đập phá cửa sổ các ngân hàng, dựng rào chắn và đốt nhiều xe buýt. Cảnh sát phải sử dụng đạn cao su và hơi cay để trấn áp những người biểu tình quá khích. Trong khi đó, tại thành phố Sao Paolo - một trung tâm tài chính của Brazil, một đám đông người biểu tình đã đụng độ với lực lượng an ninh khi tìm cách tiến về dinh thự của Tổng thống Temer.
Người biểu tình đốt lửa gây cản trở giao thông trong cuộc đình công ở Sao Paulo, Brazil ngày 28/4. Ảnh: EPA/TTXVN |
Hệ thống giao thông tại nhiều thành phố lớn đã trong tình trạng tê liệt. Tại thủ đô Brasilia, Sao Paulo và Belo Horizonte, hệ thống tàu điện ngầm không hoạt động trong khi dịch vụ xe buýt tại Curitiba cũng tạm ngừng. Theo ước tính của Liên đoàn Forca Sindical, có khoảng 40 triệu người đã tham gia vào cuộc tổng đình công trên toàn quốc.
Trong một tuyên bố chính thức, Tổng thống Temer chỉ trích các vụ tai nạn "nghiêm trọng và đáng tiếc" xảy ra trong các cuộc biểu tình.
Cuộc tổng đình công được phát động sau khi dự thảo Luật Lao động sửa đổi được Hạ viện Brazil thông qua hôm 26/4, một phần trong chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ Tổng thống Temer. Dự thảo bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 60 lên 65 đối với nam và từ 55 lên 62 đối với nữ, kéo dài thời gian đóng bảo hiểm lao động bắt buộc từ 40 năm lên 49 năm để có thể nhận lương hưu toàn phần, cũng như tạo thuận lợi cho việc sa thải nhân công.
Bộ trưởng Kinh tế Henrique Meirelles cảnh báo nếu không cải cách Luật Lao động, nước này sẽ đứng trước nguy cơ vỡ quỹ hưu trí và trong trường hợp lưỡng viện Quốc hội thông qua dự thảo luật sửa đổi, chính phủ sẽ tiết kiệm được 135 tỷ USD từ nay tới năm 2025. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn cho rằng chủ trương của chính phủ sẽ càng làm gia tăng tình trạng thất nghiệp hiện đã lên tới mức kỷ lục, với 13,5 triệu người, chiếm khoảng 12,8% dân số và đứng đầu khu vực Nam Mỹ. Hiện dự thảo cần được Thượng viện thông qua.
Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo nền kinh tế của nước này sẽ tăng trưởng 0,49% và lạm phát ở mức 4,36% trong năm nay. Nếu đạt được mức tăng dự kiến trên, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh sẽ thoát khỏi suy thoái sau 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm (ở mức -3,8% năm 2015 và -3,5% năm 2016). Năm 2015, tỷ lệ lạm phát Brazil vượt 10%, mức cao nhất kể từ năm 2002, và năm ngoái ở mức 6,29%.
Hiện uy tín của Tổng thống Temer cũng đang ở mức rất thấp. Điều tra của cơ quan tư vấn Ibope đưa ra hồi cuối tháng 3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông này hiện giảm xuống chỉ còn 10%, trong khi tỷ lệ những người phản đối lên tới 55%.