Biến thể C.1.2 được phát hiện lần đầu vào tháng 5 và đến nay đã lây lan ra tất cả 9 tỉnh của Nam Phi. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo lên chính phủ Nam Phi và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi xác định đây là biến thể có nhiều đột biến hơn mọi biến thể đã được phát hiện từ trước đến nay trên toàn thế giới. Cụ thể, C.1.2 có 41,8 đột biến mỗi năm và tốc độ lây nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 3/9, Bộ trưởng Phaala cho biết: “Ở giai đoạn hiện nay, các nhà khoa học xác nhận rằng biến thể C.1.2 không phải một nguy cơ và đang tiếp tục theo dõi”. Theo ông, tỷ lệ số ca bệnh được ghi nhận nhiễm biến thể này tương đối thấp. Ông cũng cho rằng gần như chắc chắn là Nam Phi sẽ đối mặt với đợt bùng phát thứ tư vào cuối năm nay.
Trong tuần vừa qua, WHO đã đưa biến thể C.1.2 vào nhóm cần theo dõi thêm, tức là những biến thể có thể có nguy cơ trong tương lai nhưng các bằng chứng hiện tại vẫn chưa rõ ràng.
Hiện các nhà khoa học Nam Phi đang kiểm tra trong phòng thí nghiệm về phản ứng của biến thể C.1.2 với kháng thể tạo ra từ vaccine hoặc từ tiền sử nhiễm bệnh, và dự kiến sẽ phải mất vài tuần mới có kết quả.
Dữ liệu về phân tích trình tự gen của các ca nhiễm tại Nam Phi được công bố trong tuần qua cho thấy biến thể C.1.2 khớp với 2,4% số mẫu gen được giải trình tự trong tháng 8, 2,5% mẫu trong tháng 7 và 1,2% mẫu trong tháng 6. Biến thể Delta chiếm khoảng 95% trong số mẫu được giải trình tự gen.
Nam Phi là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã phát hiện biến thể Beta, một trong bốn biến thể của virus SARS-Cov-2 được WHO xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại.