Nam Phi xác định biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có những đột biến khác với virus ban đầu được phát hiện ở tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc). Đáng chú ý, biến thể này có nhiều đột biến hơn mọi biến thể đã được phát hiện từ trước đến nay trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Richmond, Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo chưa được công bố chính thức từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) và Cơ quan đổi mới nghiên cứu và giải trình tự gene của tỉnh KwaZulu-Natal, biến thể mới thuộc nhóm biến thể tiềm năng cần quan tâm (VOI), được gán cho dòng PANGO C.1.2, gọi tắt là C.1.2. Biến thể này đã phát triển từ C.1, một trong những dòng virus truyền thống đã hoành hành trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Nam Phi vào năm ngoái và được phát hiện lần cuối vào tháng 1/2021.

C.1.2 lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Mpumalanga và tỉnh Gauteng của Nam Phi hồi tháng 5/2021 khi quốc gia này đang gồng mình chống lại làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3. Cho đến nay, biến thể này đã được phát hiện tại phần lớn các tỉnh ở Nam Phi và ở 7 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.

Theo nghiên cứu, C.1.2 có 41,8 đột biến mỗi năm. Tốc độ lây lan của biến thể này nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Tính đến ngày 20/8, 80 trình tự khớp với dòng C.1.2 đã được liệt kê trên cơ sở dữ liệu truy cập mở GISAID (Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu cúm gia cầm).

Thứ trưởng Y tế Nam Phi Anban Pilla cho biết sự phổ biến của biến thể mới trong các mẫu đã được thử nghiệm “ở giai đoạn này là rất thấp”. Tuy nhiên, số lượng bộ gene C.1.2 được giải trình tự ở Nam Phi đã tăng lên hàng tháng tương tự như những gì được quan sát trong những ngày đầu của các biến thể Beta và Delta. Vào tháng 5/2021, C.1.2 chiếm 0,2% tổng số bộ gene được giải trình tự. Vào tháng 6, con số đó đã tăng lên 1,6% và đến tháng 7 là 2%.

Theo các nhà nghiên cứu, các số liệu hiện có "rất có thể là sự trình bày không đầy đủ về sự lây lan và tần suất của biến thể này ở Nam Phi và trên toàn cầu". 

Cathrine Scheepers, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết biến thể mới “có thể xuất hiện sau một đợt nhiễm COVID-19 kéo dài và tích lũy thêm các đột biến, có khả năng thoát khỏi phản ứng miễn dịch”.

Chủ tịch Ủy ban cố vấn quốc gia về vaccine Nam Phi, Giáo sư Barry Schoub khẳng định C.1.2 vẫn đang được điều tra kỹ lưỡng, và vẫn còn phải xem xét liệu biến thể này có thể nguy hiểm hơn các biến thể khác đang được quan tâm hay không.

Hồng Minh (TTXVN)
WHO quan ngại diễn biến dịch COVID-19 tại châu Âu
WHO quan ngại diễn biến dịch COVID-19 tại châu Âu

Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng tại châu Âu trong 2 tuần qua trong khi tỷ lệ tiêm vaccine thấp tại một số nước ở châu lục này là điều "rất đáng lo ngại". Đây là nhận định do Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, đưa ra trong cuộc họp báo ngày 30/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN