Theo trang Outbreak.Info, sử dụng dữ liệu từ mạng theo dõi dữ liệu gien virus GISAID, 5.659 chuỗi biến thể Mu (còn gọi là B.1.621) đã được phát hiện trên toàn thế giới, tính đến ngày 4/9. Trong số đó, 2.436 chuỗi phát hiện ở Mỹ.
Biến thể Mu, lần đầu tiên xuất hiện ở Columbia vào tháng 1 năm nay, vẫn còn tương đối hiếm gặp ở Mỹ. Theo Outbreak.Info, biến chủng virus này phổ biến nhất ở bang Alaska, nơi nó chiếm từ 3 đến 4% các trường hợp mắc COVID-19.
Biến thể Mu cũng đã được phát hiện trong khoảng 1% các ca nhiễm COVID-19 ở Hawaii, trong khi tỷ lệ phổ biến ở các tiểu bang khác chỉ ở mức dưới 1%. Tại quần đảo Virgin thuộc Mỹ, biến thể Mu cũng chiếm khoảng 3% các ca nhiễm.
Mu đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách "biến thể cần quan tâm", với một số dữ liệu ban đầu chỉ ra rằng nó có thể sở hữu những đặc tính giúp nó kháng được các loại vaccine hiện tại. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mu có khả năng có tác động tương tự như biến thể Delta có độc lực cao, cho đến nay là chủng vượt trội nhất ở Mỹ, chiếm hơn 99% tổng số ca nhiễm.
Theo các dữ liệu, đến nay biến thể Mu chỉ được phát hiện trong 0,1% tổng ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ. Tuy nhiên, có thể tỉ lệ này trên thực tế sẽ cao hơnbowir chỉ một phần nhỏ các mẫu virus được giải trình tự gien để phát hiện các biến thể.
Trên thế giới, tỉ lệ ca nhiễm do biến thể Mu được ghi nhận cũng ở mức thấp. Biến chủng này phổ biến nhất ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, chiếm 21 trong số 33 trường hợp mắc. Nó cũng tương đối phổ biến ở Columbia, chiếm khoảng 1/3 số ca mắc.
Đến nay, biến thể Mu đã được phát hiện ở ít nhất 46 quốc gia. Trong khi đó, dữ liệu của WHO cho thấy đại đa số các quốc gia - ít nhất là 174 nước - đã phát hiện biến thể Delta, và biến thể này thống trị các ca nhiễm.
Theo trang News Medical, để đánh giá độ nhạy của biến thể Mu đối với sự trung hòa bằng huyết thanh dưỡng bệnh hoặc vaccine, nhóm các nhà khoa học Nhật Bản, tại các trường Đại học Tokyo, Kyoto, Chiba và Tokai, đã tạo ra và so sánh các virus giả dạng (pseudovirus) khác nhau chứa các protein đột biến của Mu hoặc các biến thể khác.
Kết quả, các thử nghiệm trung hòa virus cho thấy biến thể Mu kháng huyết thanh lấy từ 8 bệnh nhân COVID-19 bị nhiễm từ tháng 4 đến tháng 9 / 2020 cao hơn 12,4 lần so với virus gốc.
Biến thể này cũng có khả năng kháng huyết thanh thu được từ 10 người đã được chủng ngừa bằng vaccine Pfizer-BioNTech cao hơn 7,6 lần so với virus gốc. So sánh cũng cho thấy Mu có khả năng chống lại sự trung hòa qua huyết thanh mạnh hơn so với tất cả các biến thể khác hiện đang được WHO xếp là "đáng quan tâm" và "đáng lo ngại".
Mặc dù biến thể Mu, với một số đột biến so với virus gốc, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng tăng nguy cơ lây truyền và kháng vaccine, tuần trước các quan chức WHO nhấn mạnh rằng biến thể Delta vẫn là mối quan tâm cấp bách hơn nhiều.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết: “Ở một số quốc gia, tỷ lệ các ca mắc biến thể Mu đang gia tăng. Nhưng ở các nước khác, tỷ lệ nhiễm Mu ngày càng giảm. Trong khi đó ở bất cứ đâu, Delta cũng đang tấn công rất nhan. “Tôi nghĩ biến thể Delta là đáng ngại nhất vì khả năng lây truyền đã tăng lên”, bà Maria nói.