Ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu về kế hoạch gồm 6 điểm để ngăn đại dịch COVID-19 và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Ông cho biết sẽ đặt các quy định nghiêm ngặt, theo đó bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn bộ nhân viên liên bang, chủ lao động lớn và nhân viên chăm sóc sức khỏe nhằm nỗ lực sâu rộng để ngăn chặn các ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể Delta lây lan nhanh chóng.
Tổng thống Biden nhìn nhận dù nước Mỹ đang ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với cách đây 7 tháng khi ông lên nắm quyền, song có một thực tế là Mỹ đang ở trong một giai đoạn khó khăn và có thể kéo dài trong một thời gian. Ông Biden khẳng định: "Chúng ta có các công cụ để chống lại virus nếu chúng ta cùng nhau sử dụng những công cụ đó".
Theo Nhà Trắng, các quy định mới có thể áp dụng cho khoảng 100 triệu người Mỹ, và đây là nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất của Tổng thống Biden đối với việc yêu cầu tiêm vaccine cho người dân trên toàn quốc.
Các quy định mới được đưa ra trong bối cảnh biến thể Delta đang lan rộng ở nhiều cộng đồng trên khắp đất nước, khiến số ca nhập viện và tử vong gia tăng, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp. Trong ngày 9/9, Mỹ có tới 160.748 ca mắc mới và 1.929 ca tử vong.
COVID-19 cản trở chương trình nghị sự
Theo tờ Politico, biến thể Delta lây lan rộng đang ngáng trở chính quyền của ông Biden thực hiện các chương trình nghị sự lập pháp lớn và đẩy phe Dân chủ vào tình thế chính trị ngày càng nguy hiểm.
Ông Robert Gibbs, thư ký báo chí Nhà Trắng thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Về cơ bản, vì ngành y tế công cộng, vì sức khỏe nền kinh tế và vì sức khỏe chính trị của tổng thống, kiểm soát COVID-19 đúng hướng là vấn đề quan trọng nhất mà họ đối mặt ngay bây giờ. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn khác và chính quyền phải giải quyết giai đoạn đó”.
Bài phát biểu của ông Biden được đưa ra chỉ vài tháng sau khi ông tuyên bố kiểm soát được đại dịch, dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang.
Trong Nhà Trắng, phe Dân chủ giận dữ trước những bình luận cho rằng Tổng thống và đội ngũ của ông đã rời mắt khỏi đại dịch. Thay vào đó, các phụ tá của ông Biden cho rằng chính truyền thông mới chuyển chú ý sang các vấn đề khác, như vụ Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Trong thực tế, Nhà Trắng đã thúc đẩy thành công các bang tăng tỷ lệ tiêm chủng hồi mùa hè và đã điều hơn 700 đội tăng cường để hỗ trợ các bang có tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh.
Nhưng cho dù dùng cả mùa hè qua để nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm chủng, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 vẫn cao bền vững và các bệnh viện ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất lại một lần nữa sắp hết giường chăm sóc đặc biệt.
Nhu cầu và thời điểm tiêm mũi vaccine tăng cường cũng gây tranh cãi. Còn các bậc phụ huynh lo ngại trường học sẽ lại đóng cửa khi mà nhiều học sinh chưa tiêm vaccine đã trở lại học.
Theo tờ Politico, nếu không thể ngăn số ca mắc COVID-19 gia tăng trong mùa thu, các chương trình nghị sự kinh tế lớn của ông Biden có thể bị đe dọa, buộc tổng thống phải dành nhiều thời gian, công sức và vốn chính trị cho đại dịch thay vì dồn sức lực để gói cơ sở hạ tầng cũng như dự luật chi tiêu xã hội 3,5 nghìn tỷ USD được quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, một số thành viên Dân chủ cho rằng cách tốt nhất để Tổng thống đàm phán với các nhà lập pháp về các dự luật trên là cho thấy đại dịch được kiểm soát.
Nếu các dự luật chi tiêu lớn được thông qua và đại dịch không giảm bớt vào năm tới, Nhà Trắng sẽ bị buộc phải trở lại quốc hội và đề nghị một gói giải cứu nữa sau gói 1,9 nghìn tỷ đầu năm nay.
Hiện nay, ông Biden không thiếu các vấn đề phức tạp. Cuộc rút quân hỗn loạn và đổ máu ở Afghanistan đã chiếm trọn thời gian tháng 8 của ông. Các cử tri liên tục lo ngại về tình trạng kinh tế và hơn 60% những người được hỏi cho biết Mỹ đang đi sai hướng thời ông Biden. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Dân chủ cho rằng cảm giác của cử tri về các vấn đề trên đều gắn với COVID-19. Điều này được phản ánh trong các cuộc khảo sát: Tỷ lệ ủng hộ của ông Biden bắt đầu giảm khi biến thể Delta lan khắp nước Mỹ.
Bà Felesia Martin, Phó chủ tịch đảng Dân chủ ở Wisconsin, nhận định: “Nó ảnh hưởng tới mọi thứ. Tôi không biết chúng ta có thể tách nền kinh tế hay bất kỳ điều gì khỏi COVID-19 như thế nào vì nó ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống chúng ta”. Tuy nhiên, bà Martin cho rằng đổ lỗi cho chính quyền ông Biden về việc dịch COVID-19 mãi không suy giảm là bất công. Nguyên nhân là người dân vẫn từ chối tiêm vaccine và phản đối đeo khẩu trang.
Vai trò của COVID-19 trong bầu cử giữa kỳ
Trong khi đó, các thành viên Dân chủ ở một số bang cho rằng COVID-19 có thể là một vấn để có lợi trong bầu cử giữa nhiệm kỳ khi họ có thể dùng đại dịch để phản bác các đối thủ Cộng hòa – những người có quan điểm phản đối bắt buộc tiêm chủng và đeo khẩu trang. Theo khảo sát, đa số người Mỹ lại ủng hộ tiêm chủng và đeo khẩu trang bắt buộc.
Cựu Thống đốc Virginia Terry McAuliffe từng công kích liên tục đối thủ Cộng hòa Glenn Younkin về vấn đề COVID-19 khi tranh cử chức thống đốc bang. Tại New Jersey, Thống đốc Phil Murphy cũng dùng vấn đề COVID-19 để đánh bại đối thủ Cộng hòa.
Trong những tuần gần đây, các chính trị gia Cộng hòa từng có quan điểm cứng rắn phản đối các biện pháp phòng chống COVID-19 như Thống đốc bang Florida và Texas đều sụt giảm tỷ lệ ủng hộ.
Tính toán của phe Dân chủ là ngay cả khi COVID-19 suy giảm vào năm tới và các mối lo ngại đã giảm dần thì đại dịch vẫn sẽ là vấn đề cử tri quan tâm và có thể là công cụ hiệu quả để chặn các thành viên đảng Cộng hòa tại những khu vực cạnh tranh.
Dù vậy, chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ nếu chỉ dựa vào đại dịch vẫn sẽ có rủi ro với ông Biden và phe Dân chủ, đặc biệt là nếu COVID-19 vẫn hoành hành vào năm tới. Dù đại dịch dai dẳng là do chính sách của ai thì bầu cử giữa nhiệm kỳ vốn sẽ liên quan tới tỷ lệ ủng hộ của tổng thống đương nhiệm – điều mà phe Cộng hòa nhiều tháng qua tìm cách dìm xuống.
Ông John Thomas, chiến lược gia Cộng hòa, nói: “Họ đã vận động tranh cử, hứa hẹn sửa chữa mọi thứ và họ đã làm gì nào? Ông Biden nói ông ấy sẽ giải quyết COVID-19 và giờ đây dịch còn tệ hơn ở một số khu vực”.