Bị Triều Tiên dọa hủy, Mỹ vẫn tích cực chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh

Ai ngồi đâu? Bàn bạc những gì? Có ăn cùng nhau không? Kế hoạch an ninh ra sao? Đó là một vài trong rất nhiều câu hỏi phải trả lời khi Mỹ chuẩn bị kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với Triều Tiên ở Singapore.

Theo hãng tin AP, Tổng thống Donald Trump và đội ngũ trợ lý có cả núi công việc phải làm để chuẩn bị cho cuộc gặp của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 này.

Có rất nhiều công việc phải chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore. Ảnh: AP

Mặc dù việc gặp ông Kim Jong-un là quyết định hoàn toàn bất ngờ của ông Trump, nhưng không ai trong nhóm trợ lý của ông muốn có điều gì bất ngờ xảy ra khi hai bên gặp nhau tại Singapore. Họ đang lên kế hoạch chi tiết về chính sách, chiến thuật đàm phán, thậm chí cả danh sách thực đơn.


Một cuộc gặp giữa ông Trump và Kim Jong-un sẽ có thể xảy ra nhiều khả năng. Dù vậy, các phụ tá Nhà Trắng dự báo chiến thuật đàm phán sẽ là cứng rắn, xét tới việc Triều Tiên vừa đe dọa hủy cuộc gặp tại Singapore.


Ngày 18/5, Tổng thống Trump cho biết quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vẫn đang diễn ra. Ông nói: Người của chúng tôi đang xử lý các vấn đề liên quan tới sắp xếp cho cuộc gặp. Hai bên đang tiếp tục đàm phán về địa điểm, như gặp ở đâu, như thế nào, phòng ốc ra sao… Họ vẫn đang đàm phán như không có chuyện gì xảy ra.

Cảnh sát Singapore tuần tra bên ngoài khách sạn Shangri-la - một địa điểm có thể là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh ở cấp độ này là một công việc khổng lồ. Khi cuộc gặp liên quan tới lãnh đạo của hai quốc gia trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật, thì danh sách các đầu công việc hậu cần còn lớn hơn, trong đó có cả những đầu mục nhạy cảm như số lượng nhân viên an ninh và cách thức triển khai.


Quan chức hai bên vẫn đang quyết định các vấn đề như: sẽ chỉ có một cuộc họp hay nhiều cuộc họp, ông Trump và ông Kim Jong-un có dùng bữa chung không, mức độ tương tác giữa hai bên như thế nào.


Quá trình chuẩn bị diễn ra trong bối cảnh Mỹ định hình chiến lược cho đàm phán, trong đó gồm những gì Mỹ sẵn sàng nhượng bộ và định nghĩa “phi hạt nhân hóa” trên Bán đảo Triều Tiên cụ thể là gì.


Ông Patrick McEachern, thành viên chính sách công tại Trung tâm Woodrow Wilson và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao, cho biết: “Tôi tin rằng có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn giờ đã được bỏ ra để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh”.


Còn ông Scott Mulhauser, cựu chánh văn phòng Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, cho biết: Trước khi diễn ra các cuộc gặp thượng đỉnh, các nhân viên phải tìm cách dự báo các quan điểm đàm phán khác nhau của đối phương. Nếu không vạch ra các trường hợp thì có nghĩa là chưa chuẩn bị đầy đủ.


Tổng thống Trump đang dựa chủ yếu vào Ngoại trưởng Mike Pompeo để chuẩn bị cho hội nghị. Ông Pompeo đã gặp ông Kim Jong-un hai lần ở Bình Nhưỡng, một lần với tư cách Ngoại trưởng và một lần với tư cách Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương. Ông Pompeo đã có thời gian gặp ông Kim Jong-un nhiều nhất trong số các quan chức Mỹ. Lượng thời gian ông Pompeo gặp trực tiếp ông Kim Jong-un còn nhiều hơn đa số các lãnh đạo châu Á, ngoại trừ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Mike Pompeo (trái) gặp ông Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng ngày 9/5. Ảnh: KCNA

Ông Pompeo đã thành lập một nhóm công tác để phụ trách đàm phán với Triều Tiên. Nhóm này do một quan chức CIA cấp cao về hưu dẫn đầu, có trụ sở ở Langley, Virginia và gồm những người có kinh nghiệm về Triều Tiên nhất của chính quyền Mỹ.


Quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều bắt đầu sau khi ông Trump thông báo trên Twitter về kế hoạch gặp ông Kim Jong-un. Quá trình được đẩy nhanh sau khi ông John Bolton trở thành cố vấn an ninh quốc gia tháng 4.


Ngoài hai chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Pompeo, các quan chức Mỹ cũng điều phối với phía Triều Tiên thông qua “kênh New York” – gồm các nhà ngoại giao Triều Tiên trong phái đoàn tại Liên hợp quốc.


Theo các quan chức Mỹ, một vấn đề quan trọng là hình thức cuộc họp trong trường hợp hai quốc gia có thể tiến hành đàm phán hạt nhân toàn diện: Cuộc đàm phán sẽ chỉ giới hạn ở Mỹ và Triều Tiên hay là đưa cả các nước khác cùng tham gia tiến trình, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản?


Ông Jean Lee, Giám đốc chương trình Triều Tiên tại Trung tâm Woodrow Wilson và từng là cựu trưởng đại diện AP tại Bình Nhưỡng, nói: Có một điều chưa rõ với chúng ta là Mỹ sẵn sàng đàm phán điều gì để đổi lại khi Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa. Triều Tiên sẽ được trang bị và rất sẵn sàng trong đàm phán. Chính quyền của ông Trump cũng cần rất sẵn sàng.


Một trở ngại ban đầu mà ông Pompeo đã vượt qua trong chuyến thăm thứ hai tới Bình Nhưỡng là địa điểm họp thượng đỉnh. Triều Tiên cương quyết rằng ông Kim Jong-un phải được đảm bảo về an ninh. Các quan chức Triều Tiên đã hối thúc mạnh mẽ để cuộc họp được tổ chức ở Bình Nhưỡng, để ông Kim Jong-un không phải rời đất nước và họ có thể đảm bảo 100% tiếp cận và liên lạc.

Singapore sẽ là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 tới. Ảnh: SCMP

Khi Triều Tiên phản đối lựa chọn của ông Trump là khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, Mỹ đã chọn địa điểm là Singapore. Một số quan chức Nhà Trắng cũng phản đối chọn khu phi quân sự.


Giới chức Mỹ cho rằng một lý do mà Triều Tiên đồng ý chọn Singapore là vì ông Kim Jong-un mới có chuyến thăm Trung Quốc thành công trước khi ông Pompeo tới Bình Nhưỡng lần hai. Nhiều nhà phân tích nhận định chuyến ra nước ngoài đầu tiên bằng máy bay của ông Kim Jong-un là cuộc tập dượt đảm bảo an ninh khi bay cho nhà lãnh đạo.


Triều Tiên chính thức chọn Singapore khi ông Pompeo ở Bình Nhưỡng. Ngay cả trước khi ông Trump thông báo địa điểm hội nghị thượng đỉnh, giới chức Nhà Trắng đi cùng ông Pompeo tới Bình Nhưỡng đã có mặt ở Singapore để bắt đầu chuẩn bị hậu cần cho hội nghị.


Rất ít người có liên lạc trực tiếp với Triều Tiên vì thế chỉ có một số người mà chính quyền ông Trump có thể tìm tới để tham khảo.


Theo AP, ông Bill Richardson có thể là một trong số đó. Ông là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và từng đàm phán với Triều Tiên. Theo ông, trong bối cảnh cuộc họp, phía Triều Tiên sẽ trong tâm thế rất trang trọng, vì thế xây dựng mối quan hệ giữa hai bên sẽ là điều cần thiết. Ông cho rằng nên sắp xếp một khoảng thời gian riêng giữa ông Trump và ông Kim Jong-un.


Thùy Dương/Báo Tin tức
Lý do quan chức Ấn Độ đột nhiên đến Triều Tiên?
Lý do quan chức Ấn Độ đột nhiên đến Triều Tiên?

Lần đầu tiên trong hai thập niên qua, Ấn Độ cử một quan chức cấp bộ tới CHDCND Triều Tiên. Vậy diễn biến ngoại giao mới này cho thấy điều gì trong quan hệ giữa hai quốc gia châu Á?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN