Tuy nhiên, trong một buổi phát trực tiếp vào tháng này trên Douyin, người sáng lập New Oriental Yu Minhong đã tuyên bố động thái xoay chuyển đáng ngạc nhiên. Anh và hàng trăm giáo viên của công ty sẽ bán các sản phẩm nông nghiệp thông qua một nền tảng trực tuyến. New Oriental cũng tuyên bố phần lớn hoạt động kinh doanh gia sư sẽ đóng cửa.
“Đây không chỉ đơn giản là bán hàng. Lĩnh vực kinh doanh mới này còn giúp hồi sinh khu vực nông thôn và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của nông dân”, Yu giải thích.
Chuyển hướng kinh doanh cũng là tình trạng chung của các công ty và nhà đầu tư giáo dục tư nhân ở Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tiến hành cải cách giáo dục hồi tháng 7. Giới chức đã ban hành lệnh cấm dạy thêm vì lợi nhuận, dựa theo chương trình giảng dạy cốt lõi của đất nước cho trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 9.
Từ những công ty lớn nhất - chẳng hạn như New Oriental - cho đến những doanh nghiệp địa phương nhỏ nhất, đang phải vật lộn để tìm giải pháp xem liệu họ còn có thể kiếm tiền từ giáo dục hay không, hay có nên chuyển hoàn toàn sang lĩnh vực khác, hoặc sẽ đóng cửa hoàn toàn.
New Oriental đã đóng cửa khoảng 1.500 trung tâm giảng dạy trên khắp đất nước, chiếm 90% số cơ sở. Ngoài ra, khoảng 40.000 nhân viên, tương đương khoảng 40% nhân sự của công ty, sẽ bị sa thải vào cuối năm nay.
Trong tuần này, công ty cho biết sẽ duy trì cung cấp các sản phẩm và dịch vụ không nằm trong lĩnh vực cấm của chính phủ, “chẳng hạn như các khóa luyện thi, các khóa đào tạo ngôn ngữ cho người trưởng thành”. Công ty cho biết thêm rằng họ “sẽ tiếp tục khám phá các cơ hội kinh doanh và các sáng kiến tăng trưởng mới.”
New Oriental đã thành lập một công ty con mới có tên Dongfang Youxuan để bán phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống cây trồng và thực phẩm đóng gói sẵn. Hoạt động kinh doanh nông nghiệp của công ty này được bán trực tuyến thông qua các nền tảng như Douyin, Kuaishou và Xiaohongshu.
Thông báo của Yu gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc. Zhu Yi, một người có ảnh hưởng với hơn 1,6 triệu người theo dõi trên nền tảng trên Weibo, cho rằng: “Không có gì sai khi bán các sản phẩm nông nghiệp, nhưng tôi không nghĩ anh ấy nên đầu tư theo số đông. Tôi nhớ ước mơ của anh ấy là điều hành một trường đại học tư thục, nhưng bây giờ tôi nghĩ sẽ chẳng còn cơ hội nào”.
Yu không phải là giám đốc điều hành duy nhất đang đau đầu tìm giải pháp cho công ty mình. Tập đoàn Giáo dục TAL cũng đã cân nhắc việc thành lập một nền tảng video ngắn chuyên giảng dạy cho sinh viên, nhưng cuối cùng họ đã không theo đuổi kế hoạch này.
Yuanfudao, công ty khởi nghiệp do Tencent hậu thuẫn, từng cung cấp các khóa học trực tuyến cho học sinh tiểu học và trung học, đã đầu tư 50 triệu NDT vào một công ty may mặc. Hiện Yuanfudao đang sản xuất áo khoác mùa đông.
Tuy nhiên, một nhân viên của công ty tiết lộ với truyền thông địa phương rằng may mặc là một ngành kinh doanh “rất nhỏ” đối với Yuanfudao. Người này phủ nhận Yuanfudao đang thoát ra khỏi lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Vào tháng 9, họ đã đầu tư 100 triệu NDT để thành lập một công ty mới, nhằm cung cấp phần mềm giáo dục trực tuyến cho phép học sinh và gia sư tương tác trong thời gian thực trên nền tảng này.
Bên cạnh việc bán các sản phẩm nông nghiệp, New Oriental, gần đây đã thành lập một công ty đào tạo nguồn nhân lực. Giám đốc cấp cao của New Oriental nói rằng công ty cũng đang có kế hoạch sản xuất các thiết bị học tập chứa một số tài liệu giáo dục sẵn có của mình, vì họ đã mua lại một doanh nghiệp phần cứng cách đây nhiều năm.
Ngoài ra, giống như Yuanfudao, New Oriental đang hướng tới việc bán nội dung kỹ thuật số cho các trường công lập. Song giám đốc điều hành cấp cao của công ty nhận định: “Việc này khá khó vì nó cần nhiều kết nối. Các trường công lập đều đã có một số nhà cung cấp nội dung, và chúng tôi cần thương lượng từng trường một”.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu dịch vụ dạy thêm phải đăng ký giấy phép kinh doanh với tư cách là “tổ chức công ty phi lợi nhuận” nếu họ muốn tiếp tục dạy thêm theo chương trình giảng dạy. Điều này đã buộc những công ty dạy thêm khác áp dụng hình thức giảng dạy phi lợi nhuận để có thể tồn tại.
Zuoyebang - một “kỳ lân” công nghệ giáo dục ở Trung Quốc, đã huy động được hơn 1,6 tỷ USD từ Alibaba Group Holding, SoftBank - cho biết họ sẽ cố gắng tiếp tục dịch vụ gia sư như một doanh nghiệp phi lợi nhuận vì đó là hoạt động cốt lõi của công ty này.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đề ra chính sách “giảm kép” nhằm giảm bớt bài tập về nhà và gánh nặng dạy thêm sau giờ học cho học sinh nước này. Chi phí tài chính lớn đã trở thành gánh nặng cho các bậc phụ huynh trong nhiều năm, cùng với áp lực học tập khiến nhiều người cảm thấy cần phải đẩy con mình vào các trung tâm gia sư. Đây cũng được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh trong những năm gần đây.
Song tốc độ phát triển của lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Trung Quốc, chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đã chậm lại kể từ khi các quy định mới có hiệu lực. Vào tháng 10, tốc độ tăng trưởng hàng tháng của khoảng 401.100 công ty dạy thêm ở Trung Quốc chỉ là 1,2%, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với một năm trước đó.
Khoảng 10 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục của Trung Quốc và hơn 3 triệu người đã bị sa thải, buộc phải thay đổi công việc hoặc chuyển sang các bộ phận khác
Alila Zhou, 50 tuổi, cựu quản lý chi nhánh của một công ty dạy thêm, cho biết công ty mẹ đã đóng cửa khoảng 20 chi nhánh ở các thành phố nhỏ và cô cũng bị cho thôi việc. Giờ đây, cô đã thành lập một cơ sở không chính thức giảng dạy tại nhà của học sinh cùng với một số đồng nghiệp cũ của mình. Khách hàng của họ chủ yếu là những phụ huynh cũ có nhu cầu tiếp tục dạy thêm cho con họ bất chấp lệnh cấm đối với các dịch vụ chính thức vì lợi nhuận. Các em thường học riêng mỗi tuần một lần trong suốt học kỳ.
Cho đến nay, dường như vẫn chưa có công ty nào đã tìm ra một mô hình bền vững để đa dạng hóa hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ sau lệnh cấm của chính phủ.