Theo trang Guardian (Anh), trong năm 2018, cô Hu đã dành 1/3 thu nhập hàng năm cho con trai đi học hè ở Thượng Hải. Năm sau đó, chi phí đã tăng lên. Tuy nhiên, vợ chồng cô vẫn chấp nhận chi tiền cho con đi học. Điều này thể hiện tính cạnh tranh trong nền giáo dục trẻ em ở Trung Quốc.
“Con trai tôi bắt đầu học tiếng Anh từ năm 5 tuổi. Tôi sợ rằng con mình sẽ bị bỏ lại phía sau nếu chúng tôi không cho con đi học thêm, ”cô nói.
Vợ chồng cô Hu nằm trong đại đa số các bậc phụ huynh chi tiền cho con đi học thêm. Một khảo sát ước tính số gia đình cho con đi học thêm đã tăng từ 65% năm 2016 lên 92% trong năm nay. Các lớp học thường có chi phí khổng lồ, đóng góp vào ngành giáo dục dạy kèm tư nhân trị giá hơn 150 tỷ USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng trước, chính phủ nước này đã siết chặt việc dạy học thêm, gióng lên hồi chuông báo tử cho lĩnh vực này.
Vào ngày 23/7, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành các quy định mới về việc dạy học thêm. Theo đó, tất cả các công ty dịch vụ giáo dục, cơ sở dịch vụ dạy thêm ngoài giờ theo chương trình giảng dạy chính của trường học sẽ trở thành các tổ chức phi lợi nhuận và không được cấp giấy phép hoạt động mới. Chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế đầu tư nước ngoài vào các công ty này.
Động thái mới được đưa ra để giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh trong lĩnh vực giáo dục siêu cạnh tranh của Trung Quốc.
“Các bậc phụ huynh luôn mong muốn con cái họ có một tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng họ sợ chúng sẽ thua ngay từ vạch xuất phát trong cuộc cạnh tranh về điểm số”, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói hồi tháng 3.
Tại Trung Quốc, chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa các tỉnh và thành phố, vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn. Có rất ít trường đại học so với số lượng sinh viên và các trường đại học danh tiếng thậm chí còn ít hơn. Những ngôi trường này chủ yếu tập trung ở phía đông và các thành phố lớn. Chính ở những khu vực này, hoạt động dạy thêm và học thêm đã bùng nổ trong thập kỷ qua.
Tiến sĩ Ye Liu, nhà xã hội học và giảng viên cấp cao về phát triển quốc tế tại Đại học King’s College London, nhận định: “Giáo dục và sức khỏe là hai mối quan tâm chính của người Trung Quốc. Các gia đình ở thành thị có nhu cầu rất lớn về giáo dục tư nhân. Do chính sách một con trước đó, họ đã sử dụng giáo dục như một kênh đầu tư, nhằm tạo ra những đặc quyền về vốn văn hoá, như cơ hội vào các trường đại học tốt hay đi du học nước ngoài cho con mình. Họ cần cho con học thêm vì cơ hội rất cạnh tranh”.
Tuy nhiên, bà Liu cho rằng chính sách siết chặt dạy thêm sẽ khó đạt hiệu quả nếu Trung Quốc không giải quyết tình trạng phân bổ giáo dục không đồng đều trên khắp đất nước.
Ngoài việc giảm căng thẳng trong giáo dục, Bắc Kinh còn coi quy định mới là động lực giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập quốc gia này. Một số chuyên gia phân tích rằng việc siết chặt dạy học thêm sẽ làm giảm gánh nặng chi phí nuôi dạy trẻ em, nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đang suy giảm nhanh chóng.
Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh, một phần do chi phí sinh hoạt cao, lương thấp và thời gian làm việc kéo dài. Hầu hết những phản hồi đối với cải cách giáo dục này, bao gồm cả cô Hu, cho biết chính sách mới không đủ để thay đổi suy nghĩ của bất kỳ ai về việc sinh thêm con.
Trong cuộc thăm dò của một hãng truyền thông Trung Quốc trên nền tảng mạng xã hội Weibo, gần 70% trong số 2.400 người được hỏi cho biết họ không nghĩ rằng cải cách sẽ làm giảm bớt áp lực cho các bậc phụ huynh. Chỉ 18% nghĩ rằng điều này sẽ giảm bớt một phần hoặc hoàn toàn áp lực.
Tại Thượng Hải, Hu cho biết cô ủng hộ chính sách siết chặt dạy thêm. Từ nay, cô sẽ dành nhiều thời gian hơn để cùng con tham gia các hoạt động ngoài trời trong các kỳ nghỉ. Tuy nhiên, Hu nằm trong số nhiều người đang lo lắng rằng thay vì chi tiền học thêm, các bậc cha mẹ khác sẽ chi tiền của họ cho các gia sư tư nhân - một lĩnh vực khó quản lý chưa được nhắm mục tiêu - sẽ duy trì hoặc thậm chí làm trầm trọng thêm khoảng cách giáo dục.
“Việc cho con đi học thêm là một thách thức về tài chính và tinh thần đối với phụ huynh. Đằng sau sự xuất sắc của một đứa trẻ là cả một đống tiền”, một phụ huynh họ Chang làm nghề luật sư nói. “Đồng thời, tôi lo ngại rằng các bậc cha mẹ sẽ phải gánh vác tất cả gánh nặng học hành của con cái họ. Những đứa trẻ có điểm số tốt sẽ có lợi thế, còn những người khác sẽ bị bỏ lại rất xa phía sau”, cô nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Liu cho rằng chính phủ cần đa dạng hóa và thúc đẩy các con đường giáo dục, khuyến khích và tài trợ nhiều hơn nữa cho học sinh, đặc biệt là những học sinh tại các vùng kinh tế xã hội khó khăn hơn, như tạo điều kiện dạy nghề, học việc và đào tạo các kỹ năng khác.