Kết quả khảo sát công bố hôm 29/7 tại Mỹ cho thấy, các bệnh nhân “COVID kéo dài” báo cáo họ đã trải qua tổng cộng 98 triệu chứng khác nhau.
“Họ không ốm đến mức phải nhập viện, nhưng họ đang gánh chịu rất nhiều triệu chứng nghiêm trọng, có khi trong một thời gian rất dài, tại nhà riêng”, Natalie Lambert, Phó Giáo sư y khoa tại trường Đại học Indiana (Mỹ), cho biết.
Bà Lambert đã hợp tác với một nhóm hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 có tên là Survivor Corps để tiến hành khảo sát các bệnh nhân trên trang Facebook của nhóm này về các triệu chứng mà họ gặp phải. Có trên 1.500 thành viên của nhóm đã trả lời khảo sát.
Bảng câu hỏi đề nghị bệnh nhân nhận diện các triệu chứng mà họ đã trải qua và cho phép họ bổ sung những triệu chứng mà bà Lambert chưa thống kê trong bảng.
Tổng cộng, các bệnh nhân đã báo cáo tới 98 triệu chứng khác nhau mà họ cho là liên quan đến COVID-19. Những triệu chứng này bao gồm chóng mặt, lo lắng, nhức đầu, phát ban, đau khớp, hụt hơi, ợ nóng, tiêu chảy và sốt... Những người bệnh cũng cho biết gặp tình trạng giảm sút về trí nhớ, suy nghĩ, khó ngủ và mắt kém.
Hơn 1/4 số người được hỏi cho biết họ trải qua những cơn đau liên tục, đau khắp mình mẩy, đau dây thần kinh và đau khớp.
Hiện tại tất cả những người tham gia khảo sát vẫn ẩn danh, khiến không thể xác nhận chẩn đoán hoặc triệu chứng của họ với bác sĩ. Ngoài ra cũng không thể xác định rõ những triệu chứng nào có thể liên quan trực tiếp đến lây nhiễm virus SARS-CoV-2, và triệu chứng nào liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo lắng nói chung trong một xã hội đang bị đại dịch càn quét.
Nhưng điều đó không có nghĩa là các bác sĩ không chú ý đến những vấn đề trên.
“Khi mọi người nhiễm virus và bị bệnh, họ có thể nằm nghỉ ngơi trong vài tuần. Chúng tôi đang bắt đầu xem xét việc họ không hồi phục hoàn toàn và nhanh như mong muốn”, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về các bệnh truyền nhiễm, cho biết hôm 29/7.
"Mất bao lâu để bạn trở lại bình thường? Đó là một câu hỏi mở. Từ khi dịch bùng phát đến nay mới có 6 tháng", ông Fauci nói thêm.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ liệt kê 11 triệu chứng của bệnh COVID-19 trên trang web của mình. Tuy nhiên, trong một động thái thừa nhận, lần đầu tiên trong tuần trước CDC đã báo cáo về các triệu chứng khác của bệnh nhân “COVID kéo dài”.
"Bệnh COVID-19 có thể dẫn đến những chứng bệnh kéo dài ngay cả ở những người mắc bệnh nhẹ, trong đó có những người trưởng thành trẻ tuổi”, bà Lambert, tác giả của báo cáo viết.
Báo cáo cho thấy, có đến 1/3 số bệnh nhân không bao giờ ốm nặng đến mức phải nhập viện, nhưng lại không thể hồi phục trở lại bình thường trong 3 tuần sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19.
Cô Amy Watson, 47 tuổi, ở Portland, Oregon, cho biết, trong ngày thứ 137 sau khi được chẩn đoán COVID-19, cô bị các triệu chứng gồm đau rát ở hai cánh tay, thân mình, đầu và cổ.
Watson đã lập ra một nhóm hỗ trợ bệnh nhân “COVID kéo dài”, được gọi là "Long Haul COVID Fighters". Tên nhóm được lấy cảm hứng từ chiếc mũ mà cô đã đội vào ngày đi xét nghiệm COVID-19 hồi tháng 4. “Tôi đã không gội đầu trong 3 ngày, tóc bẩn vì vậy tôi đội chiếc mũ lên”. Biệt danh “Long Haul COVID” giờ đây được sử dụng bởi nhiều bác sĩ và tổ chức đang tìm cách nhận diện những người mắc chứng “COVID kéo dài”.
Mặc dù không phải là thành viên của Survivor Corps, nhưng Watson không ngạc nhiên với kết quả khảo sát. “Tôi vừa nói chuyện với một người bị nhòa mắt”, Watson cho biết. Cô hỏi người đó rằng hiện tượng đó có xảy ra trước khi mắc COVID-19 không thì câu trả lời là không. Bệnh nhân này cho biết, hiện tượng mắt bị nhòa chỉ xuất hiện vào tuần thứ 16 bị COVID-19.
Hầu hết các bệnh nhân “COVID kéo dài” chỉ tìm được sự trợ giúp trực tuyến từ các nhóm y tế. Không có phương pháp điều trị riêng cho nhóm bệnh nhân này, mà chỉ là đối phó với các triệu chứng.
“Cho đến khi có thêm các nghiên cứu giúp chúng tôi hiểu tại sao các triệu chứng kéo dài lại xảy ra và làm thế nào để điều trị, thì hàng ngàn bệnh nhân vẫn tiếp tục phải chịu đựng tại nhà, cả nỗi đau từ các triệu chứng COVID-19 lẫn tâm trạng bất ổn vì không biết bao giờ mới khỏe lại được”, Phó giáo sư Natalie Lambert viết trong bản thông cáo báo chí.