Trang Newsweek.com mới đây cho rằng, khi căng thẳng giữa Mỹ với cả Nga và Trung Quốc vẫn ở mức cao, ngày càng gia tăng lo ngại vũ khí hạt nhân có thể được triển khai lần đầu tiên kể từ năm 1945.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân giám sát các cuộc tập trận hạt nhân mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân nhằm trả đũa cuộc tấn công của đối phương, trong bối cảnh NATO cũng diễn tập răn đe hạt nhân.
Theo một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc, Nga là một mối đe dọa "nghiêm trọng" đối với Mỹ, liên quan đến vũ khí hạt nhân. Nếu Mỹ bị tấn công hạt nhân, Tổng thống Biden và các quan chức hàng đầu khác có thể lên một trong 4 "máy bay Ngày tận thế", được thiết kế để hoạt động như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát di động trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
"Máy bay Ngày tận thế" có tên gọi chính thức là Sở chỉ huy tác chiến trên không tiên tiến Boeing E-4B (AACP), một phiên bản sửa đổi của chiếc Boeing 747-200 trong biên chế của Không quân Mỹ.
Theo Không quân Mỹ, E-4B AACP cung cấp "một trung tâm chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc có khả năng sống sót cao" trong trường hợp "khẩn cấp quốc gia" hoặc các trung tâm chỉ huy trên mặt đất bị phá hủy.
E-4B AACP có khả năng chống lại xung điện từ và vì lý do này, nó không có bất kỳ cửa sổ nào ngoại trừ ở buồng lái. Nó được trang bị "lớp bảo vệ hiệu ứng nhiệt và hạt nhân" và có một loạt thiết bị liên lạc, cho phép truy cập vào hệ thống vệ tinh Milstar đặc biệt an toàn của quân đội Mỹ.
AACP lần đầu tiên được đưa vào hoạt động trong những năm 1970, mặc dù 3 trong số các máy bay ban đầu là loại E-4A AACP có công nghệ kém tiên tiến hơn trước khi được nâng cấp thành E-4B vào đầu những năm 1980.
Mỹ luôn có ít nhất một chiếc E-4B AACP ở chế độ sẵn sàng chiến đấu. Theo Business Insider, E-4B AACP, có thể được tiếp nhiên liệu từ trên không, tốn gần 160.000 USD mỗi giờ để vận hành.
Mỗi chiếc máy bay E-4B AACP có thể chứa tối đa 112 người, được chia thành ba tầng. Tầng giữa có chức năng như một trung tâm chỉ huy được sử dụng bởi Tổng thống và các quan chức hàng đầu khác để điều phối phản ứng của Mỹ đối với một cuộc tấn công hạt nhân. Theo Không quân Mỹ, tầng này được chia thành 6 khu vực gồm: "Phòng làm việc của chỉ huy, phòng họp, phòng họp giao ban, khu vực làm việc của nhóm tác chiến, khu vực liên lạc và khu vực nghỉ ngơi".
Phòng họp được cách âm và trang bị màn hình video. Hầu hết các phi hành đoàn đều sinh hoạt ở phía sau của E-4B AACP. Vào năm 2017, David Rennie, một nhà báo của tờ Economist (Anh) đã được phép tham quan một trong những chiếc máy bay E-4B AACP và cho biết nội thất bên trong có kiểu dáng "cổ điển".