Bên trong chiến dịch sơ tán khẩn cấp nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Sudan

Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã phải tiến hành một cuộc sơ tán khẩn trương các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở Sudan trong bối cảnh giao tranh tại quốc gia châu Phi này đang hết sức phức tạp. Chiến dịch giải cứu chỉ diễn ra vỏn vẹn chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Không có súng nổ và không có thương vong.

Chú thích ảnh
Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi nhân viên ngoại giao cuối cùng được cứu thoát, Washington đã đóng cửa vô thời hạn đại sứ quán tại Khartoum. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn công dân Mỹ đang mắc kẹt tại quốc gia Đông Phi này.

Khoảng 100 lính Mỹ cùng 3 trực thăng MH-47 đã tiến hành chiến dịch sơ tán. Họ đã đưa tất cả khoảng 70 nhân viên ngoại giao Mỹ từ bãi đáp trực thăng ở đại sứ quán đến một địa điểm không được tiết lộ ở Ethiopia. Molly Phee, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi, cho biết Ethiopia cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ bay quá cảnh và tiếp nhiên liệu. Djibouti, Ethiopia và Saudi Arabia cũng hỗ trợ chiến dịch.

Trong khi tiến hành chiến dịch, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Tướng Mark Milley đã liên lạc trước với hai phe tham chiến nhằm đảm bảo các lực lượng Mỹ sẽ có lối đi an toàn để tiến hành sơ tán. Tuy nhiên, John Bass - một thứ trưởng ngoại giao Mỹ - đã bác bỏ tuyên bố của nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh chóng (RSF) của Sudan rằng lực lượng này đã hỗ trợ chiến dịch sơ tán của Mỹ.

Các quan chức Mỹ cho biết một chiến dịch sơ tán mở rộng sẽ là việc làm quá nguy hiểm. Trong một tuyên bố cảm ơn lực lượng đặc nhiệm, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông thường xuyên nhận được báo cáo từ ban cố vấn của mình về những nỗ lực hỗ trợ những người Mỹ còn mắc kẹt ở Sudan “trong phạm vi có thể”.

“Tôi tự hào về cam kết đặc biệt của các nhân viên đại sứ quán, những người đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách dũng cảm và chuyên nghiệp, đồng thời thể hiện tình bạn của nước Mỹ với người dân Sudan. Tôi rất biết ơn các thành viên lực lượng đặc nhiệm, những người đã đưa người dân Mỹ tới nơi an toàn thành công”, Tổng thống Biden bày tỏ.

Nhà lãnh đạo cũng kêu gọi chấm dứt cuộc chiến bạo lực. “Bi kịch bạo lực ở Sudan đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm thường dân vô tội. Điều đó thật vô lương tâm và nó phải dừng lại. Các bên tham chiến phải thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, cho phép tiếp cận nhân đạo không bị cản trở và tôn trọng người dân Sudan”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Tướng Abdel Fattah Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang Sudan và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, thủ lĩnh của nhóm RSF đều đang tìm cách giành quyền kiểm soát Sudan. Xung đột nổ ra 2 năm sau khi lực lượng của hai vị tướng này cùng nhau thực hiện một cuộc đảo chính quân sự và làm trật bánh quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của Sudan.

Cuộc giao tranh giữa hai lực lượng trung thành với hai vị tướng hàng đầu của Sudan đã bước sang ngày thứ 9, khiến sân bay quốc tế chủ chốt của nước này phải đóng cửa, chặn đứng tuyến đường thoát thân của công dân nhiều nước. Theo hãng tin AP, tính đến thời điểm hiện tại, cuộc giao tranh đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 người.

Ước tính có khoảng 16.000 công dân Mỹ được cho là đang ở Sudan. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn do không phải người Mỹ nào tới Sudan cũng đăng ký với đại sứ quan.

Trong một thông báo vào ngày 22/4, đại sứ quán Mỹ ở Sudan đã cảnh báo rằng “do tình hình an ninh không có gì là chắc chắn ở Khartoum và sân bay đóng cửa, hiện tại không an toàn để chính phủ Mỹ thực hiện việc sơ tán công dân”.

Kế hoạch sơ tán các nhân viên đại sứ quán Mỹ đã được cân nhắc và quyết định triển khai vào ngày 17/4 sau khi đoàn xe của đại sứ quán bị tấn công ở Khartoum. Lầu Năm Góc ngày 21/4 xác nhận binh sĩ Mỹ đã được chuyển đến doanh trại Lemonnier ở Djibouti để thực hiện chiến dịch sơ tán.

Trong quá khứ, các cuộc sơ tán nhân viên ngoại giao do quân đội Mỹ thực hiện là tương đối hiếm và chỉ diễn ra nếu điều kiện quá nguy hiểm.

Thông thường, khi ra lệnh cho một đại sứ quán cắt giảm nhân viên hoặc đình chỉ hoạt động, Bộ Ngoại giao Mỹ muốn nhân viên của mình rời khỏi bằng phương tiện thương mại nếu có thể.

Khi đại sứ quán Mỹ ở Kiev tạm thời đóng cửa ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, các nhân viên đã sử dụng phương tiện thương mại để rời đi.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác gần đây, đặc biệt ở Afghanistan vào năm 2021, điều kiện để các nhân viên ngoại giao Mỹ rời đi bằng phương tiện thương mại là rất nguy hiểm. Năm 2014, binh sĩ Mỹ đã phải tháp tùng nhân viên từ đại sứ quán Mỹ ở Tripoli (Libya) bằng đường bộ tới Tunisia.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP)
SIPRI: Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng kỷ lục trong năm 2022, riêng Ukraine tăng 640%
SIPRI: Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng kỷ lục trong năm 2022, riêng Ukraine tăng 640%

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy chi tiêu toàn cầu cho quân sự lên mức kỷ lục trong năm 2022, đạt 2.240 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN