Bê bối NSA: Hết nghe lén lãnh đạo đến theo dõi mua dâm

Hôm 28/11, nhiều tờ báo của Anh và Mỹ trích dẫn các tài liệu mật do “kẻ đào tẩu” mới được cung cấp cho thấy, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã tiến hành thu thập thông tin về các biểu hiện mua dâm trên mạng, bằng chứng về việc vào đọc các trang web khiêu dâm của một số cá nhân.

NSA theo dõi cả các hoạt động nhạy cảm liên quan đến mua dâm. Ảnh minh họa


Đây là một phần trong kế hoạch đề xuất của NSA, với mục đích chính nhằm bôi nhọ danh dự của những nhân vật mà NSA cho là có tư tưởng kích động cực đoan -  thể hiện qua các lời nói, bài phát biểu của họ. Theo thông tin Edward Snowden tiết lộ, NSA đã có bước thực nghiệm đầu tiên, nhằm vào 6 đối tượng, tất cả đều là người Hồi giáo.

Tài liệu mật đề ngày 3/10/2012 của NSA nhận định, những nhân vật được cho là kích động cực đoan rất dễ bị tổn thương, suy giảm quyền lực một khi mà hành động trước công chúng và đời thường không nhất quán với nhau. Theo đó, một trong những điểm yếu cần khai thác với nhóm này là việc “xem xét các hành động liên quan đến tình dục qua mạng... sử dụng các lời nói có liên quan đến tình dục trong trao đổi, tiếp xúc với nhóm gái trẻ ít kinh nghiệm”. Khai thác thông tin theo hướng này, như nhận định của NSA, chính là các để tình báo tín hiệu (chủ yếu là NSA) thể nghiệm năng lực khai thác “bê bối”, “nhạy cảm đời tư cá nhân” để hủy hoại uy tín, thanh danh, quyền lực của những đối tượng nghi vấn, thù địch.

Giám đốc NSA được cho là tác giả của tài liệu có tính đề xuất này. Ngoài nội bộ NSA, ý tưởng trên cũng được gửi đến giới chức thuộc Bộ Tư pháp và một số cơ quan khác. Trước biến cố này, giới chức Mỹ - như thường lệ, vẫn lên tiếng bảo vệ NSA. Ông Shawn Turner, Giám đốc văn phòng Tình báo quốc gia Mỹ biện bạch rằng, “bỏ qua yếu tố cá nhân cụ thể, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ Mỹ sử dụng các công cụ luật pháp theo yêu cầu để chấm dứt các nỗ lực của các đối tượng khủng bố có âm mưu gây hai quốc gia và kích động người khác hành động bạo lực”. Tuy nhiên, ông Jameel Jaffer, phó giám đốc luật pháp của Liên minh tự do dân quyền Mỹ nhìn nhận, những thông tin mới được tiết lộ thực sự quan ngại liên quan đến lạm dụng quyền lực. Ông này chỉ trích: “cần phải nhớ rằng hoạt động do thám của NSA là gì đi nữa thì cũng phải có giới hạn. Cơ quan này đang thu thập vô tội vạ các thông tin về riêng tư cá nhân”.

Tài liệu do Snowden cung cấp cho thấy, không một ai trong số 6 người thuộc diện theo dõi của NSA bị kết luận là có liên quan đến âm mưu khủng bố, tất cả đều là công dân sống ngoài nước Mỹ. Có 3 người từ các nước nói tiếng Arập được cho là có liên hệ với các chân rết của các nhóm cực đoan. NSA nhận định đây là 6 nhân vật kích động cực đoan thông qua việc xúi giục thể hiện ý kiến tranh cãi, tranh luận cực đoan trên Youtube, Facebook và nhiều mạng xã hội khác. Những dạng phát biểu này đã xới lên dư luận ở Mỹ, Đức, Thụy Điển, Kenya, Pakistan, Ấn Độ, Saudi Arabia. Một trong số này được cho là đã phát đi chủ đề tranh luận “người phi Hồi giáo là mối đe dọa với Đạo Hồi” và được NSA đính kèm đặc điểm “hay mua dâm qua mạng”. Người khác, được mô tả là một học giả đáng kính, nêu quan điểm “tấn công thánh chiến là hợp lý”, cũng được đính kèm dòng lưu ý “hay mua dâm qua mạng”. Một đối tượng khác - người khá nổi trên truyền thông Trung Đông, được NSA định rõ là đã phát động tranh luận “Mỹ là thủ phạm vụ tấn công khủng bố 11/9” kèm nhận định “người có lối sống phóng túng”.

Tài liệu mới tiết lộ không cho biết NSA có thực hiện kế hoạch làm mất danh dự của 6 cá nhân trên hay không, cũng như không đề cập đến góc độ luật pháp và tôn giáo đối với hoạt động nghe lén theo dạng thực này. Trong lịch sử, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) dưới thời J. Edgar Hoover cũng đã từng có hành động theo dõi mờ ám, sau đó cho xuất lộ những thông tin mật về đời tư “nhạy cảm” của các đối thủ chính trị không ưa thích, nổi nhất là nhà hoạt động nhân quyền M.L King. Hoạt động này của FBI dường như vẫn được NSA xem trọng và vận dụng.

HT (HuffingtonPost, Dailymail)

Canada cho phép NSA do thám Thượng đỉnh G20 và G8
Canada cho phép NSA do thám Thượng đỉnh G20 và G8

Chính phủ Canada đã cho phép NSA thực hiện một chiến dịch do thám diện rộng nhằm vào hai Hội nghị thượng đỉnh G20 và G8 tổ chức tại nước này hồi tháng 6/2010.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN