Chính phủ Canada đã cho phép Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thực hiện một chiến dịch do thám diện rộng nhằm vào hai Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) tổ chức tại nước này hồi tháng 6/2010.
Toàn cảnh hội nghị G8 ở Huntsville, Canada ngày 25/6/2010. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bản tin ngày 28/11, tập đoàn truyền thông CBC của Canada dẫn một báo cáo do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Edward Snowden tiết lộ cho biết chiến dịch do thám trên kéo dài 6 ngày và do Đại sứ quán Mỹ tại Ottawa chỉ huy.
Mục tiêu của chiến dịch là Hội nghị thượng đỉnh G20 với sự tham gia của 26 nguyên thủ các nước trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, và Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra trước đó ít ngày tại Canada. Tài liệu không nêu rõ đối tượng cũng như mục đích cụ thể của chiến dịch song miêu tả hoạt động do thám trên là hoạt động "hỗ trợ cho giới hoạch định chính sách".
Cũng theo báo cáo trên, Washington đã tiến hành chiến dịch do thám với "sự hợp tác chặt chẽ" từ Cơ quan An ninh thông tin truyền thông của Canada (CSEC), đơn vị có vai trò tương tự NSA của Mỹ. Theo luật pháp nước này, CSEC không được phép do thám công dân trong nước nếu không có lệnh cũng như không được phép yêu cầu các cơ quan giám sát nước ngoài thực hiện hành vi do thám.
Trong phản ứng đưa ra sau đó, đại diện của CSEC khẳng định cơ quan không vi phạm điều khoản nào trong pháp luật do thám song nói thêm rằng họ không có thẩm quyền bắt buộc các tổ chức tình báo nước ngoài tuân thủ những điều khoản trên. Hiện, Chính phủ hai nước Mỹ và Canada đều chưa đưa ra bình luận chính thức. Cả hai nước đều là thành viên của mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo lâu đời tên gọi "Five Eyes" (Năm Mắt) bao gồm Australia, Anh, Canada, Mỹ và New Zealand.
Vụ bê bối NSA nghe lén điện thoại và theo dõi thư điện tử của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới do Edward Snowden phanh phui đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đối với hoạt động do thám của hệ thống tình báo Mỹ, đặc biệt tại các nước phương Tây. Châu Âu thậm chí đã cân nhắc việc cho ngừng tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương.
Tình hình chỉ trở nên bớt căng thẳng vào đầu tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng thừa nhận hoạt động của Mỹ "đôi lúc đã đi quá xa". Mới đây nhất, ngày 26/11, Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết bảo vệ quyền riêng tư do Đức và Brazil đệ trình.
TTXVN/Tin tức