Kết quả sơ bộ công bố lúc 20 giờ ngày 22/4, giờ địa phương ( tức 1 giờ sáng ngày 23/4 giờ VN) của truyền hình Pháp, tại Tòa thị chính Pari, ứng cử viên Đảng xã hội (PS) Francois Hollande dẫn đầu với 28,4% phiếu bầu và đương kim tổng thống Nicola Sarkozy, ứng cử viên Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) được 25,5% phiếu bầu tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2012-2017 vòng một. Hai ứng cử viên này sẽ tiếp tục cuộc đua tại vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 6/5 tới.
Ông Francois Hollande trả lời phỏng vấn sau khi có kết quả dẫn đầu vòng một. Ảnh: AFP-TTXVN |
Cũng theo kết quả công bố này, tại vòng một bầu cử Tổng thống Pháp, tỉ lệ cử tri không đi bỏ phiếu dừng ở mức 20% trong tổng số 44,5 triệu cử tri đủ tư cách bầu cử, cao hơn so với con số 16,2% tại bầu cử năm 2007 nhưng thấp hơn nhiều so với so với dự đoán. Tuy nhiên, đúng như dự báo từ các cuộc thăm dò sát ngày bầu cử vòng một, lãnh đạo của hai đảng lớn nhất tại Pháp đã giành được sự ủng hộ cao nhất của cử tri để bước vào vòng hai.
Gây bất ngờ lớn nhất tại bầu cử vòng một là ứng cử viên Mari Le Pen, người giành vị trí thứ ba với 20% so với kết quả 10% phiếu bầu mà người cha Jean Mari Le Pen của bà đã đạt được trong cuộc bầu cử năm 2007. Lần đầu tiên tham gia tranh cử, nữ ứng cử viên đảng Mặt trận Quốc gia (FN) đã đạt được điểm số kỷ lục, vượt số điểm 16,86% của năm 2002.
Không được như kỳ vọng, ứng cử viên Jean Luc-Mélenchon của Mặt trận Cánh tả, với nòng cốt là Đảng Cộng sản và Đảng Cánh tả, chỉ giành được 11,7%, chấp nhận ở vị trí thứ tư. Tuy nhiên, dư luận cho rằng kết quả hai con số vẫn là một thành công đáng nể của liên minh cánh tả và và thắng lợi này sẽ có một ý nghĩa quan trọng đối với thành bại của ông Hollande tại vòng hai.
Gây thất vọng lớn nhất tại vòng một là ứng cử viên Françoi Bayrou của Phong trào Dân chủ (MoDem), người chỉ nhận được 8,5% phiếu bầu và chấp nhận đứng ở vị trí thứ năm.
Kết quả sơ bộ cho thấy uy tín của đương kim Tổng thống Pháp giảm đáng kể so với bầu cử năm 2007, khi ông giành được 31,18% phiều bầu. Phát biểu sau các công bố kết quả vòng một, ông lặp lại tuyên bố muốn tổ chức 3 cuộc tranh luận trực tiếp với đối thủ Hollande trước bầu cử vòng hai. "Tôi đề nghị tổ chức ba cuộc tranh luận nhằm vào các vấn đề kinh tế - xã hội, các vấn đề xã hội và quốc tế", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đề xuất của ông Sarkozy đã một lần nữa bị đối thủ Hollande bác bỏ. "Không phải vì kết quả xấu mà phải thay đổi vấn đề tổ chức. Chỉ cần có một cuộc tranh luận với thời gian vừa đủ", ứng cử viên Đảng Xã hội nhấn mạnh trước sự có mặt của đông đảo phóng viên trong và ngoài nước. Phát biểu tại Tulle, thành trì của cánh tả, một địa phương thuộc miền trung nước Pháp sau khi kết quả sơ bộ được công bố, ông khẳng định cử tri Pháp đã "cho phép ông có được một vị trí tốt nhất để trở thành Tổng thống tiếp theo của nền Cộng hòa".
Tại bầu cử vòng một, ông Hollande đã giành được sự ủng hộ rất cao tại các tỉnh hải ngoại, với 53,29% phiếu bầu so với 17,96% của ông Sarkozy. Tại Martinique, ông giành được 51,98% số phiếu và tại Guadeloupe, được 57%.
Được biết tham gia theo dõi sát sao diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay có tới 700 phóng viên đến từ 33 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhóm phóng viên TTXVN tại Pháp