Hai đối thủ trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng năm 2012 đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba và cũng là cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử quyết liệt kéo dài nhiều tháng qua. Khép lại các cuộc "cân não", Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và cựu Thống đốc Mitt Romney chính thức bước vào chặng đua cán đích với các quân bài đã được tung ra.
Trọng tâm của cuộc so găng lần này là chính sách đối ngoại - một chủ đề vốn không được cử tri Mỹ quan tâm nhiều bằng các vấn đề trong nước, liên quan tới lợi ích sát sườn của mỗi người dân. Tuy nhiên, không vì thế mà hai đối thủ nương nhẹ nhau và giới quan sát vẫn đặt cược vào cuộc tranh luận này.
Với thế cân bằng được thiết lập lại sau màn phản công đầy ngoạn mục ở hiệp đấu thứ hai, theo thế thượng phong, Tổng thống Obama đã đặc biệt nhấn mạnh tới các thành tựu đối ngoại - an ninh trong 4 năm qua của Nhà Trắng, khắc họa đậm nét bức tranh nước Mỹ yên bình hơn.
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, đáp lại, cựu Thống đốc Romney đã xoáy sâu vào vụ Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi ở Lybia bị tấn công khiến Đại sứ và ba nhân viên ngoại giao thiệt mạng, không ngừng công kích các chính sách của Nhà Trắng mà theo ông là quá mềm mỏng đối với "điểm nóng" Trung Đông, trong đó Iran ngày càng là cái gai nhức nhối trong cái nhìn của người Mỹ.
Bên cạnh đó, các vấn đề đối ngoại và an ninh được quan tâm như cuộc khủng hoảng tại Syria, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, quan hệ của cường quốc số 1 thế giới với các nước đối tác - đối thủ (theo cách nhìn nhận của Washington) như Trung Quốc, Nga,...cũng được hai ứng cử viên đưa ra mổ xẻ.
Đương kim Tổng thống Barack Obama (phải) và ông Mitt Romney (trái) tại buổi tranh luận trực tiếp thứ ba trên truyền hình, ngày 22/10. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Theo nhận định của các nhà quan sát, ở "trận đấu" cuối cùng này, Tổng thống Obama đã vượt lên đối thủ Romney với tỷ số chung cuộc 2-1. Tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên được truyền hình CNN thăm dò chớp nhoáng ngay sau cuộc tranh luận là 48%-40%. Cách biệt này, theo cuộc thăm dò của CBS News, thậm chí còn cao hơn với tỷ lệ 53%-23%.
Nhìn lại ba cuộc "cân não", đa phần giới chuyên gia nhận định rằng ông Obama đã tỏ ra là một người chơi chuyên nghiệp hơn khi ông luôn đưa ra được các mệnh đề và có các lập luận vững chắc cùng kết quả thực tiễn để bảo vệ cho các mệnh đề của mình, trái ngược với một Romney khá lúng túng với những hứa hẹn và cam kết, đặc biệt là trong các vấn đề đối ngoại.
Thậm chí, một số nhà phân tích còn nói rằng họ chưa rõ liệu chính sách đối ngoại của ông Romney sẽ khác biệt ra sao so với chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama.
Ông Daniel Serwer, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Johns Hopkins nhận xét: "Trong khi chỉ trích chính quyền Obama về vấn đề Iraq, Afghanistan và Iran, ứng cử viên Cộng hòa đã không đưa ra được nhiều đề xuất rõ rệt về những vấn đề đó, đơn giản vì rất khó nghĩ ra những điều tốt hơn để làm". Điều này cũng dễ hiểu khi đối ngoại không phải là sở trường của một Romney doanh nhân. Thực tế, cơ hội của ứng cử viên Cộng hòa trong trận đấu này là không nhiều bởi sau khi để Obama san bằng tỷ lệ số trong lần đối đầu thứ hai, Romney đã để tuột mất cơ hội của mình.
Tuy chưa thể khẳng định về một chiến thắng trong ngày bầu cử quyết định 6/11 tới, song Tổng thống Obama và êkíp tranh cử của ông đã có được một lợi thế về tâm lý để chuẩn bị tốt cho hai tuần còn lại của hành trình tái cử.
Các nhà phân tích tỏ ra khá thận trọng về chặng đua nước rút tới đây khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy một sự bám đuổi sít sao và cơ hội cho hai ứng cử viên bước vào Nhà Trắng được đánh giá là khá ngang nhau. Trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, phần lớn các cuộc đua đều rất khốc liệt và gay cấn tới phút chót khi các ứng cử viên tỏ ra cân sức, ngang tài. Và cuộc bầu cử năm nay cũng không phải là một ngoại lệ.
Hồ Phương