Bắt đầu cuộc chiến pháp lý Mỹ - Iran

Chiều 27/8 (giờ Hà Nội), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, đã mở phiên tòa theo đơn kiện của Chính phủ Iran chống lại việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.

Chú thích ảnh
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Hay, Hà Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên tòa đầu tiên dự kiến sẽ kéo dài 4 ngày và dù chưa rõ phán quyết sẽ ra sao, nhưng chắc chắn vụ kiện này sẽ có lợi cho chính quyền Tehran và là cơ hội để Iran tố cáo các biện pháp cấm vận được cho là trái phép của Mỹ.

Tại phiên tòa, các luật sư đại diện cho Iran đưa ra 2 lập luận chính để phản bác lại các lệnh trừng phạt mới, được  Mỹ đưa ra sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Tehran.

Thứ nhất là các biện pháp trừng phạt này đã vi phạm một hiệp ước ký với Iran từ trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979.

Thứ hai, Iran chỉ trích các biện pháp này hoàn toàn mang tính chính trị và cho biết nhiều nước châu Âu ủng hộ quan điểm này của Iran và nghi ngờ tính pháp lý của các biện pháp trừng phạt mới của Washington. Chính vì vậy, Iran cho rằng  Mỹ không có quyền khôi phục các biện pháp trừng phạt và kêu gọi ICJ ra phán quyết buộc Mỹ ngay lập tức đình chỉ các biện pháp này. Bên cạnh đó, Iran cũng yêu cầu được bồi thường.

Các luật sư đại diện cho phía Mỹ dự kiến sẽ trình bày các lập luận của họ vào ngày 28/8.  Giới chuyên gia cho rằng Washington cũng sẽ đưa ra hai lập luận, bao gồm Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) ký giữa hai nước từ năm 1955 không còn giá trị khi mà thực tế hai nước đã trở thành quốc gia thù địch trong suốt 4 thập kỷ qua.

Phía Mỹ cũng cho rằng tranh chấp này không thuộc phạm vi điều chỉnh của TAER và các biện pháp trừng phạt là do "các hoạt động liên quan đến khủng bố" của chính quyền Tehran. Ngoài ra, Mỹ sẽ tiếp tục bám vào quan điểm cho rằng ICJ không có thẩm quyền để giải quyết tranh cãi này, tương tự như một vụ kiện khác của Iran nhằm vào Mỹ cách đây 2 năm.

Từ trước khi lên cầm quyền, ông Trump đã chủ trương xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền tiền nhiệm Barack Obama cùng với lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga đã đặt bút ký với Iran ngày 15/7/2015 tại Vienna (Áo).

Dù thỏa thuận này có thể chưa hoàn hảo, nhưng đã được cả thế giới đánh giá cao bởi văn kiện này bảo đảm là Iran sẽ không chế tạo bom hạt nhân, giúp giải quyết một trong những “hồ sơ nóng” hàng đầu của thế giới đã kéo dài nhiều năm qua. Từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến Liên minh châu Âu (EU) hay Nga và Trung Quốc đều công nhận chính quyền của Tổng thống H.Rohani đã tôn trọng thỏa thuận Vienna.

Bất chấp hàng loạt nước đã cảnh báo về hệ lụy của việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, cũng như không có bằng chứng xác thực cho những cáo buộc với Iran, ngày 8/5 vừa qua, Nhà Trắng chính thức tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vốn được coi là mang tính “lịch sử” này, đồng thời gia hạn 180 ngày cho các nước tuân thủ các trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran.

Cùng với việc  đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Tổng thống Donald Trump đã chính thức siết chặt gọng kìm đối với nền kinh tế Iran bằng việc áp đặt đợt trừng phạt đầu tiên với Tehran vào đầu tháng 8.

Gói cấm vận đầu tiên nhắm vào các giao dịch tài chính của Tehran được thanh toán bằng đồng USD, các hoạt động mua bán vàng và kim loại quý, than đá, ngành công nghiệp xe hơi và các hợp đồng mua bán máy bay của Iran.

Đợt trừng phạt thứ hai sẽ có hiệu lực vào ngày  4/11 tới, chủ yếu nhằm vào ngành dầu khí, trụ cột của kinh tế Iran.

Theo giới quan sát, đợt trừng phạt đầu tiên chưa quá nặng nề, nhưng đợt trừng phạt  thứ 2 chắc chắn gây ra những tác động mạnh mẽ hơn nhiều cả về kinh tế lẫn xã hội đối với Iran và đây là nguyên nhân khiến Iran phải bước vào cuộc chiến pháp lý với Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, hành động của Tehran nhằm buộc Washington phải chịu trách nhiệm về việc áp đặt một cách bất hợp pháp các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào quốc gia Trung Đông này. Ông nhấn mạnh: "Iran tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế trong khi Mỹ phớt lờ các nghĩa vụ pháp lý và ngoại giao của mình". Theo ông Zarif, việc chống lại thói quen vi phạm luật quốc tế của Mỹ là việc cấp bách hiện nay.

Trên thực tế, do ảnh hưởng của bước đi đơn phương của Mỹ, đồng rial của Iran đã mất một nửa giá trị kể từ tháng 4 năm nay. Một loạt tập đoàn quốc tế lớn, trong đó có Total, Peugeot, Renault của Pháp và Siemens, Daimler của Đức, đã buộc phải tạm ngừng hoạt động tại Iran sau động thái của Mỹ. Nhiều hãng hàng không lớn của châu Âu, như Air France và Bristish Airways, cũng đã thông báo ngừng khai thác các chặng bay tới Iran từ tháng tới do không muốn lãnh hậu quả từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, những sức ép của Mỹ cho đến nay vẫn không thể khiến Iran lùi bước và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới.  Nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei cuối tuần qua tiếp tục khẳng định "sẽ không có chiến tranh và cũng sẽ không  đàm phán với Mỹ".     

ICJ - cơ quan được LHQ thành lập năm 1946 để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, là tòa án cao nhất của Liên hợp quốc và các quyết định của tòa mang tính ràng buộc, nhưng tòa không có thẩm quyền để thi hành, do đó, nhiều nước - kể cả Mỹ, từng phớt lờ các phán quyết của ICJ.

Dự kiến, sẽ mất một vài tháng để ICJ quyết định có chấp thuận yêu cầu của Tehran đưa ra một phán quyết tạm thời hay không, trong khi phán quyết cuối cùng về vụ việc có thể mất nhiều năm. Tuy nhiên, các chuyên gia luật quốc tế cho rằng với sự ủng hộ của nhiều nước vốn cũng đang chịu các biện pháp trừng phạt vô lý của Mỹ và sự đồng tình của nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Iran đang có lợi thế tinh thần rất lớn trong vụ kiện này.

Trần Thanh Bình (TTXVN/Báo Tin tức)
Iran tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn vùng Vịnh và Eo biển Hormuz
Iran tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn vùng Vịnh và Eo biển Hormuz

Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran, người đứng đầu lực lượng hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 27/8 thông báo Iran đã kiểm soát hoàn toàn vùng Vịnh và Eo biển Hormuz.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN