Trước đây giới chức Iran đã đe dọa phong tỏa Eo biển Hormuz, một tuyến vận tải biển quan trọng đối với dầu mỏ xuất khẩu, để đáp trả bất cứ hành động thù địch nào của Mỹ.
Tháng 5 vừa qua, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Đức) và tuyên bố áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran, theo đó Mỹ đặt mục tiêu giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran xuống con số 0.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ tập trung vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran có hiệu lực vào tháng 11 tới.
Tháng trước, Tư lệnh IRGC, Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari khẳng định các lực lượng Iran đã sẵn sàng thực thi phong tỏa Eo biển Hormuz, đồng thời nhấn mạnh nếu Iran không thể bán dầu mỏ do các biện pháp trừng phạt của Washington, không nước nào trong khu vực được bán dầu.
Với vị trí chiến lược kết nối các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông với thị trường tiêu thụ chủ chốt ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ... hoạt động vận chuyển dầu mỏ tại eo biển chiến lược này chiếm 1/3 trên thế giới.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ ước tính trong năm 2016, con số kỷ lục 18,5 triệu thùng dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz mỗi ngày, tăng 9% so với năm 2015. Phần lớn lượng dầu mỏ xuất khẩu có nguồn gốc từ Saudi Arabia, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Kuwait và Iraq.