Đầu tuần trước, một bản ghi âm tuyên bố chứa thông tin nội bộ đã được lan truyền qua hàng trăm cuộc trò chuyện nhóm trong ứng dụng Whatsapp ở Israel. Người phụ nữ giấu tên nói bằng tiếng Do Thái rằng quân đội Israel đang lên kế hoạch cho một “trận chiến chưa từng có trước đây”, đồng thời cảnh báo rằng người dân nên chuẩn bị cho việc không có thực phẩm, nước uống và dịch vụ Internet trong một tuần.
Trên khắp đất nước, người Israel đổ xô đến các ngân hàng và cửa hàng tạp hóa, đề phòng một cuộc tấn công khác. Chỉ sau đó vài giờ, đoạn ghi âm này được quân đội Israel làm rõ và khẳng định nó sai sự thật.
Một tuần sau cuộc chiến giữa Lực lượng Phòng vệ Israel và nhóm Hamas tại Gaza, mạng xã hội đang chứng kiến cơn bão tin giả “dữ dội” nhất từ trước đến nay.
Từ lâu, mạng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột trong khu vực. Trong cuộc chiến kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas vào năm 2021, các bài đăng về cuộc tàn sát ở Gaza đã tạo được sự ủng hộ của công chúng dành cho người Palestine. Các nhà nghiên cứu cho biết khả năng truy cập Internet ngày càng tăng và sự phổ biến của điện thoại thông minh đã tạo ra một bước ngoặt, giúp dư luận hiểu rõ thêm những gì đang diễn ra trên chiến trường.
Nhưng giờ đây, bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng tại Israel đã tạo điều kiện cho những âm mưu và thông tin sai lệch lan rộng trong biên giới nước này. Các nền tảng công nghệ gặp khó khăn hơn trong kiểm soát những thông tin sai lệch và các phát ngôn thù địch. Trong khi đó, theo các tổ chức nhân quyền, mất điện và các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng viễn thông ở Gaza đe dọa khả năng kết nối của người Palestine.
Mặc dù mạng xã hội là một công cụ quan trọng để phổ biến thông tin thời chiến trong thời gian gần đây, nhưng hàng loạt hình ảnh và lời chứng thực “giả mạo” đang khiến việc đánh giá đâu là thật tại chiến trường trở nên khó khăn. Các nhà hoạt động trong khu vực cảnh báo những câu chuyện, hình ảnh kinh hãi lan truyền không có thật có thể khiến mọi người mất lòng tin hơn nữa vào chính quyền và có thể gây ra nỗi căm ghét, thù hận, trả thù lên những người vô tội.
“Tôi vô cùng lo sợ. Có rất nhiều thông tin được chia sẻ mà chưa được xác minh, rất nhiều lời kêu gọi bạo lực và phi nhân tính. Và tất cả những điều này đang thổi bùng ngọn lửa cho những vụ thảm sát tiếp theo”, Marwa Fatafta, nhà phân tích chính sách tại Al Shabaka, một tổ chức tư vấn người Palestine kiêm nhà quản lý chính sách khu vực của nhóm nhân quyền kỹ thuật số phi lợi nhuận Access Now, chia sẻ.
Trong cuộc chiến ở Trung Đông hiện nay, các nhà nghiên cứu chỉ ra rất ít bằng chứng cho thấy thông tin sai lệch có nguồn gốc từ nước ngoài. Thay vào đó, nhiều thông tin sai lệch về cuộc chiến đều xuất phát từ chính bên trong khu vực.
Trong 24 giờ sau cuộc tấn công của nhóm Hamas, hashtag “Kẻ phản bội từ bên trong” bằng tiếng Do Thái đã trở thành xu hướng hàng đầu trên mạng xã hội X.
Achiya Schatz, giám đốc FakeReporter, một tổ chức giám sát của Israel chuyên ngăn chặn thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch trực tuyến, cho biết: “Nhiều tháng biểu tình phản đối về tương lai của Israel, sự phân cực sâu sắc trong nước và sự mất lòng tin rộng rãi vào chính quyền đã khiến những nội dung sai dự thật lan rộng”.
Hai năm trước, khi giao tranh nổ ra giữa Israel và Hamas, người dân địa phương đã sử dụng điện thoại di động để đăng tải từng đoạn các cuộc biểu tình và vụ bắn phá sau đó ra thế giới. Nhưng nguy cơ trong cuộc xung đột ngày nay còn cao hơn nhiều. Trong khi cuộc xung đột năm 2021 khiến 250 người chết ở Gaza và 13 người ở Israel, thì ít nhất 1.300 người ở Israel và 1.799 người ở Gaza đã thiệt mạng trong cuộc chiến hiện tại.
Theo bà Fatafta, không giống như năm 2021, người Palestine ở Gaza đã mất quyền truy cập vào Internet và điều này ảnh hưởng đến khả năng kể câu chuyện của họ với thế giới.
“Mọi người không có đủ điện để sạc thiết bị. Có người không gửi được tin nhắn SMS, một số cơ sở hạ tầng viễn thông bị hư hỏng. Không ai biết chuyện gì đã thực sự xảy ra ở biên giới. Sự kiện diễn ra quá nhanh và quá tàn bạo”, bà Fatafta nhấn mạnh.
Chính khoảng trống này đang được lấp đầy bởi những thông tin sai lệch khiến công chúng thêm phần phẫn nộ. Các nhà nghiên cứu cảnh báo điều này có thể dẫn đến nhiều cuộc tấn công chống người Do Thái hoặc bạo lực hơn đối với công dân Palestine, biện minh cho một hành động trả đũa tàn bạo hơn ở Gaza.
WhatsApp, một nền tảng nhắn tin do Meta sở hữu, là phương tiện liên lạc mặc định trên toàn khu vực và cho phép mọi người chuyển tiếp tin nhắn âm thanh đến nhiều nhóm, mỗi nhóm có thể bao gồm hơn 1.000 thành viên. Nguồn gốc của những tin nhắn như vậy và mức độ lan truyền của chúng gần như không thể truy tìm ra.
Một tổ chức về quyền kỹ thuật số của Palestine có tên là 7amleh cho biết họ đã phát hiện hơn 19.000 tin nhắn có chứa nội dung kích động bạo lực nhằm vào người Palestine bằng tiếng Do Thái trên nền tảng X kể từ ngày 7/10. Giám đốc điều hành của tổ chức, Nadim Nashif, cho biết ông không thể gắn nhãn nội dung cho các tin nhắn này vì những người liên hệ trước đây của tổ chức tại công ty đã bị sa thải.
Để ngăn chặn các thông tin sai lệch, FakeReporter đang điều hành một phòng cơ động với 2.500 tình nguyện viên trên khắp Israel. Các tình nguyện viên gắn nhãn và báo cáo nội dung đáng ngờ, độc hại cho các nền tảng. FakeReporter cũng giúp vạch trần những câu chuyện sai lệch trên mạng xã hội.