Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.

Chú thích ảnh
Cảnh sát điều tiết giao thông tại Bogota, Colombia ngày 21/3/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, các cơ quan chức năng Colombia cho biết các cuộc đụng độ trong những ngày qua giữa lực lượng Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) và nhóm đối lập tách ra từ Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) giải thể năm 2016 tại Catatumbo, giáp giới Venezuela, đã khiến ít nhất 60 người thiệt mạng. Bạo lực leo thang buộc Tổng thống Gustavo Petro tuyên bố đình chỉ tiến trình hòa đàm đàm với ELN vào ngày 17/1 và cáo buộc nhóm vũ trang này không có thiện chí hòa bình. Các nhóm vũ trang đụng độ nhằm tranh giành quyền kiểm soát khu vực biên giới, nơi có nhiều đồn điền trồng cây coca để sản xuất cocain.

Trên tài khoản mạng xã hội X, Văn phòng Thanh tra Colombia cho biết, trong số 60 người được báo cáo đã thiệt mạng do bị sát hại, có 7 người đã đồng ý ký kết thỏa thuận hòa bình với Chính phủ và một thủ lĩnh nông dân ủng hộ hòa đàm.

Số người thiệt mạng tăng đáng kể so với con số được thông báo trước đó 1 ngày. Các nguồn tin địa phương cho biết ELN hiện đang bắt giữ 250 con tin. Cũng theo Văn phòng Thanh tra Colombia, các nhà lãnh đạo xã hội và gia đình của họ, bao gồm cả trẻ em, “hiện đang đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc hoặc sát hại” từ các thành viên ELN. Mặc dù các hoạt động cứu hộ đang được tiến hành, nhưng 600 người đã bỏ chạy khỏi nơi sinh sống và tìm nơi ẩn náu trên núi.

Sau khi FARC ký thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Colombia vào năm 2016, nhiều khu vực từng do FARC chiếm đóng đã rơi vào trạng thái không có tổ chức nào quản lý, tạo cơ hội cho ELN mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên của FARC đồng ý tham gia thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Colombia. Một số nhóm bất đồng chính kiến tiếp tục hoạt động vũ trang và tìm cách kiểm soát các khu vực chiến lược này. Điều này dẫn đến các cuộc đụng độ trực tiếp giữa ELN và những nhóm FARC bất đồng chính kiến, đặc biệt ở các khu vực giàu tài nguyên như dầu mỏ, mỏ khoáng sản, và các tuyến đường buôn bán ma túy.

Ngoại trưởng Venezuela Yván Gil tuyên bố sẽ mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại khu vực biên giới ở vùng Táchira và Zulia để quản lý và hỗ trợ các công dân nước láng giềng phải bỏ chạy khỏi Colombia vì “tình trạng bạo lực khủng khiếp” tại nước này.

Ngoại trưởng Colombia Luis Gilberto Murillo cũng thông báo đang phối hợp với Chính phủ Venezuela để nước láng giềng tiếp nhận những người bỏ chạy và cảm ơn Caracas vì những sự trợ giúp.

Ở các khu vực biên giới Colombia-Venezuela, tình trạng thiếu sự hiện diện của lực lượng quân đội Colombia khiến các nhóm vũ trang phi chính phủ dễ dàng thiết lập quyền kiểm soát. ELN và các nhóm FARC bất đồng chính kiến thường xung đột để giành quyền kiểm soát ở những vùng này, làm phức tạp thêm nỗ lực của Chính phủ Colombia trong việc đạt được hòa bình bền vững tại khu vực.

Diệu Hương (TTXVN)
Trên 100.000 người phải di tản do bạo lực leo thang ở miền Đông CHDC Congo
Trên 100.000 người phải di tản do bạo lực leo thang ở miền Đông CHDC Congo

Ngày 8/1, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết các cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ và phiến quân M23 tại lãnh thổ Masisi của tỉnh Bắc Kivu trong những ngày qua đã khiến hơn 100.000 người phải đi lánh nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN